"Huyền thoại" giang hồ Sài Gòn: Lâm chín ngón

by comments
Lê Ngọc Lâm, tự Lâm "chín ngón", chở vợ và con trai 6 tuổi đi ăn tối trên đường Sư Vạn Hạnh nối dài (quận 10, TP HCM). Anh ta vừa dừng xe cho vợ con bước xuống thì bất ngờ một thanh niên nhảy xổ tới, tạt thẳng một ca axít vào mặt Lâm. Hét lên một tiếng, Lâm ngã xuống mặt đường quằn quại.

Sự việc xảy ra lúc 20h ngày 14/7/1999 làm Lâm cháy toàn bộ khuôn mặt, hai tai và mũi rụng, cằm chảy ra dính chặt vào ngực. Hai mí mắt cũng chảy ra dính vào nhau, bịt kín con mắt. Tuy qua nhiều lần phẫu thuật chỉnh hình, lột toàn bộ da mông, đùi đắp lên mặt, nhưng mặt Lâm vẫn biến dạng hoàn toàn. Hai mắt gần như loà hẳn, với hai hốc mắt nhỏ xíu được mở nhân tạo. Mỗi lần lấy ngón tay ấn lên, những giọt nước đục như nước gạo từ hố mắt lại ứa ra.

Bị hại, nhưng Lâm "chín ngón" vẫn không cho gia đình báo công an. Trước sau, anh ta chỉ một mực cho rằng tai vạ hôm nay chính là nghiệp chướng mà anh ta đã vay thì phải trả.

Mọi con đường đều dẫn đến... nhà tù

Lê Ngọc Lâm sinh năm 1945 tại Hà Tây, theo gia đình di cư vào Sài Gòn năm 1954. Ba năm sau, những biến cố thời cuộc làm gia đình tan nát, Lâm phải vào Cô nhi viện Thủ Đức khi mới 12 tuổi. Được một thời gian, Lâm trốn khỏi cô nhi viện, nhập vào đám bụi đời, bán báo trên hè phố Sài Gòn. Cô nhi viện dạy cho Lâm biết chữ, còn lề phố dạy cho Lâm biết... đánh lộn để giành mối, cạnh tranh. Những cuộc đụng độ xảy ra như cơm bữa đã biến Lâm thành một người ngang tàng và rất lỳ đòn.

Năm 1963, Lâm thi hỏng tú tài và bị bắt vào quân dịch nhưng đã trốn về Sài Gòn sống lang thang, sau đó gia nhập nhóm bụi đời ở khu Da Heo, đường Nguyễn Công Trứ, quận 1 do Đại Cathay cầm đầu. Vốn liều lĩnh và to khoẻ, anh ta nhanh chóng trở thành một trợ thủ đắc lực của Đại Cathay trong các trận chiến phân chia lãnh địa. Năm 1964, một cuộc tranh hùng như vậy đã chém mất một ngón tay của Lâm. Biệt hiệu Lâm "chín ngón" ra đời từ đó, do chính Đại Cathay đặt. Tháng 11/1966, băng Đại Cathay bị cảnh sát ngụy bắt đày ra đảo Phú Quốc. Tại đó, Đại Cathay tổ chức vượt ngục và mất tích. Lâm "chín ngón" bị bỏ lại, ngồi tù thêm nửa năm thì được thả.

Trở về Sài Gòn, Lâm chuyển sang nghề "ăn bay" (cướp bằng xe máy) và nhanh chóng trở thành một "quái bay". Sử dụng xe Honda 67, loại xe tốt nhất thời bấy giờ, Lâm "chín ngón" đã gây ra hàng chục vụ cướp giật với những người vừa lĩnh tiền ngân hàng đi ra. Trong một lần "ăn bay" cuối năm 1970, Lâm bị cảnh sát ngụy bắt tại trận và bị tống vào trại giam Chí Hoà. Tại đó, Lâm đã được hội ngộ với hầu hết những "tay chơi cộm cán" nhất của Sài Gòn.

Thời hai tay ba đao

Vào thời gian đó, bộ máy cảnh sát, nhà tù của chế độ ngụy Sài Gòn gần như bó tay trước nạn lộng hành của đám lưu manh, du đãng được hỗ trợ bởi ma tuý bán đầy rẫy và rẻ như bèo. Lúc cao điểm, trại Chí Hoà có khoảng 2.000 tên tù hình sự thì cũng gần như ngần đó con nghiện. Vì vậy, bán ma tuý, thuốc phiện đem lại cho các "ông trùm" một nguồn lợi có thể lên tới 20-25 lượng vàng/ngày. Số vàng này khiến chúng vây bè, kết cánh hùng cứ quyền bán ma tuý ở các dãy buồng giam, tranh giành lãnh địa, hoặc hạ bệ nhau, nhằm ngoi lên làm ông trùm để độc quyền thu lợi. Là "đàn anh", như Lâm "chín ngón" ở dãy FG, tuy có thể tự do đi lại giữa các dãy nhưng lần nào cũng phải có vài ba vệ sĩ tháp tùng, nếu không ăn đao là cái chắc. Mỗi khi tham chiến, những tên du đãng này đều hai tay nắm chắc hai con dao. Con thứ ba giắt ngang bụng, phòng khi dao trên tay bị đánh rơi hay bị đối phương tước mất. Hỗn danh "thời hai tay ba đao" bắt nguồn từ đó, để chỉ giai đoạn 1970-1974 trong trại giam Chí Hoà.

Là cánh tay phải của Đại Cathay, từng đâm trầy mặt và hạ bệ "tướng cướp cô đơn" Điền Khắc Kim để giành địa vị ông trùm, Lâm "chín ngón" trở thành một "cao thủ" được độc quyền bán thuốc phiện ở khu FG, đồng thời trở thành đại lý cung cấp loại "hàng đen" này cho toàn bộ trại Chí Hoà. Quyền khai thác "hàng trắng" ở dãy này thuộc về Chương "khùng", một tên giang hồ có số khác, kẻ từng dẫn đầu hàng chục tội phạm người Việt xông vào khu AB cướp thùng đựng tiền của đám tù nhân người Hoa gốc Hong Kong, Ma Cao, Đài Loan... và bị chém trọng thương. Đúng định kỳ, hàng đen từ bên ngoài được gửi vào "thăm nuôi" Lâm "chín ngón". Cai tù biết nhưng làm ngơ để được chia 30% lợi nhuận.

Khoảng giữa năm 1972, đám con nghiện đâm đầu sang mua "hàng đen" khiến thu nhập của Chương "khùng" tụt xuống nhanh chóng. Đàn em của Chương bỏ đi phò Lâm "chín ngón". Chương tức giận, chửi bới om sòm. Một tên "ngang cơ" khác là Năm Lương đổ thêm dầu vào lửa: "Mày chỉ giỏi võ mồm. Thừa biết thằng nào hạ bệ rồi, mày có giỏi thử đụng đến nó coi".

Án mạng bất ngờ

Bị kích động, Chương khùng nổi cơn. Hắn lấy bộ đồ võ vận vào người rồi nuốt 3 viên Renoval để thêm dũng khí, hằm hằm tuyên bố: "Tìm thằng Lâm chín ngón nói chuyện cho phải quấy". Nghe đàn em cấp báo, Lâm đang chơi bóng chuyền ở sân trại liền dừng ngay để đợi. Gặp nhau, Lâm hỏi trước: "Chương! Nghe nói mày đòi dẹp. Mày bảnh thì chơi lại tao coi".

Đang uống nước, sẵn ly cầm trong tay, Lâm "chín ngón" ném ngay cái ly uống dở vào mặt Chương khùng và nhào tới. Quá bất ngờ vì không nghĩ tới chuyện đối thủ phản ứng quá mạnh, lại thấy đàn em của Lâm kéo tới khá đông, Chương "khùng" vội né người tránh ly nước đập vào mặt rồi... bỏ chạy, mặt mũi hầm hầm.

Ở khám Chí Hòa lúc đó có Cương "võ sĩ", tức Vũ Đình Cương, vốn là võ sĩ quyền anh có đẳng cấp, từng nhiều lần thượng đài khắp miền Trung - Nam và Campuchia, nếu đấu tay đôi sòng phẳng, cỡ Lâm "chín ngón" hoàn toàn không phải là đối thủ. Năm 1970, Cương bị bắt vì tội buôn bán ma tuý. Lại là em ruột của Vũ Đình Sơn trùm ma tuý ở Sài Gòn thời bấy giờ nên Cương được đám giang hồ phong làm "đại ca của các đại ca", toàn quyền sắp đặt, sai phái toàn bộ giang hồ trong trại Chí Hoà. Khi các băng nhóm xích mích, chỉ cần Cương nói một vài lời là tất cả đều răm rắp tuân theo.

Sự việc xảy ra lúc Cương "võ sĩ" đang tụ tập với mấy tay anh chị trong dãy BC. Thấy Chương "khùng" vừa chạy qua vừa khóc, Cương bèn ngăn lại hỏi. Chương tố láo: "Thằng Lâm ỷ đông, kéo đàn em đến đòi xử tôi, cấm không cho tôi bán ma tuý nữa". Nghe tới đó, máu "yêng hùng" nổi lên, Cương bèn dẫn nửa tá dân anh chị sang khu FG để "hỏi tội thằng Lâm".

Phần Lâm "chín ngón", đang lúc đấm thình thình vào tường buồng giam 3F4, dọa "luộc thằng Chương", thì được một tên đàn em cấp báo: "Anh Lâm cẩn thận, anh Cương đang dẫn người qua tìm anh đó". Vừa nói, tên này vừa giúi vào tay Lâm mấy con dao lá lúa, dặn: "Anh cầm theo để phòng thân". Lâm bảo "một dao đủ rồi" và chạy ra nghênh tiếp. Khi hai bên đứng đối diện nhau, Cương võ sĩ hỏi: "Lâm! Ở đây, mày với tao, ai là đàn anh?". Lâm chưa kịp mở miệng đã bị Cương tung ngay một cú thôi sơn vào mặt. Nhanh mắt, Lâm né đầu tránh được. Cú đánh khá mạnh nhưng không trúng mục tiêu khiến Cương võ sĩ hụt đà chúi thấp đầu về phía trước. Lợi dụng phút này, Lâm "chín ngón" nắm ngay cổ áo địch thủ lật lên và quơ tay ra sau lưng rút dao... Tất cả diễn ra quá nhanh nên không ai kịp can. Cương chỉ kịp "hự" lên một tiếng rồi ôm ngực vật ra sàn. Nghe ai đó kêu lên: "Anh Lâm, đừng đâm nữa", tên hung đồ mới sực tỉnh. Nhát dao đâm trúng tim, Cương võ sĩ chết ngay tại chỗ. Lâm "chín ngón" mặt tái mét, vội thanh minh trước khi bị dẫn đi: "Tôi không cố ý, tại anh Cương... Thôi, anh em thắp cho ảnh mấy nén nhang giùm tôi".

Sau tai nạn, Lâm trở thành một con người khác hẳn, không nói, không cười, chỉ ở lì trong căn nhà mà ngoài vợ con không ai biết địa chỉ. Anh ta một mực bảo rằng, cuộc đời Lâm chín ngón coi như đã hết và Lâm cũng không hề có ý định sẽ trả thù theo kiểu ân oán giang hồ như anh ta đã từng làm trong hàng chục năm qua.

Bị Lâm giết mất em ruột là Cương võ sĩ, Vũ Đình Sơn, tức Sơn đảo, tay buôn ma tuý có hạng cộng với những “chiến tích” nửa thực, nửa bịa mang về từ 5 năm ngồi tù tại Côn Đảo, lồng lộn lên. Y tuyên bố: “Sẽ lấy mạng thằng Lâm bằng bất cứ giá nào”.

Kẻ báo thù đầu tiên được Sơn chọn là Tuấn đả (quê Hộ Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận). Khi bị bắt giam tại quân lao Nha Trang, Tuấn từng đâm lòi ruột Sơn trắng, sếp sòng quân lao này, để tiếm quyền. Máu liều Tuấn có thừa, nhưng y khó chơi tay đôi mà thắng được Lâm chín ngón. Sơn chỉ có nước tuồn “chó lửa” vào tù để Tuấn hạ Lâm. Nhưng do cảm kích vì từng được Lâm đứng ra bảo lãnh, giúp thoát khỏi trận đòn hội đồng của toàn thể đám đàn anh ở trại tạm giam Chí Hoà khi vừa mới chuyển đến, nên Tuấn đã từ chối “hợp đồng” mà Sơn đảo nhờ, kèm lời giải thích: “Anh Đại (Đại Cathay) gọi nó là Lâm điên, gọi tao là Tuấn khùng. Không lẽ thằng điên đi bắn thằng khùng”.

Mất gần cả năm trời, Sơn mới tìm được người thay Tuấn . Gã này tên là Nguyễn Văn Hoàng, tự Hoàng đầu lâu (theo hình xăm trên bả vai). Nói về võ nghệ, cả trại Chí Hoà không ai sánh kịp Hoàng. Mang đai đen tứ đẳng Taekwondo, Hoàng đã từng hạ hàng chục cao thủ cả Việt lẫn Miên trên sàn đấu. Biết vợ con Hoàng đang sống khó khăn, Sơn bèn bỏ tiền mua một căn nhà mặt phố nhỏ đem tặng, sau đó lại sang một sạp vải ở chợ cho vợ Hoàng đứng bán, làm kế sinh nhai... làm Hoàng tối mắt gật đầu bán mình. Khổ nỗi, trong giới giang hồ Hoàng chỉ thuộc hàng "chiếu dưới", án tù cũng nhẹ, không thể "ngồi cùng mâm" với Lâm chín ngón, để có cơ hội tiếp cận và hạ sát địch thủ. Nhằm tạo cơ hội cho Hoàng, Sơn đã tốn công vạch ra một kế hoạch chi tiết nhằm giúp Hoàng... tăng án, “được” ngồi biệt giam, đồng thời nâng uy tín trong làng dân chơi chứ không vì tăng án mà gây thù hằn, xích mích với một kẻ nào khác.

Trong trại Chí Hoà có một cai ngục là trung sĩ Cách, cháu ruột gọi phó giám thị trại bằng cậu. Ỷ thế, tên này rất “bố láo”, luôn tìm cách ăn chặn, phá phách đồ thăm nuôi của tù nhân. Đám tù rất ghét nhưng không tên nào dám ra tay. Một hôm, sau khi nghe các “đàn anh” ta thán, Hoàng đầu lâu xung phong: “Để em thịt nó cho”. Kỳ thăm nuôi đến, khi Cách đang xăm soi hũ thịt rim, bẻ đôi từng cái bánh để khám xét thì một tên tù tự giác đến rót vào tai hắn: “Trung sĩ, có người muốn gặp riêng”. Tưởng được hối lộ, Cách bỏ ngay việc theo tên cò đi vào phía trong. Không ngờ, Hoàng đã núp sẵn. Ngay khi Cách bước vào liền cầm thanh mã tấu nhằm mặt chém đứt lỗ mũi của tên trung sĩ. Máu xối ra, Cách ôm mặt quằn quại...

Với chiến tích này, Hoàng đầu lâu nghiễm nhiên trở thành “dân chơi thứ thiệt”, được giới giang hồ kiêng nể. Trong khi đó, tội nặng thêm, y bị tống xuống khu biệt giam. Ở ngoài, Sơn lại vung tiền lo lót với giám thị, cai tù. Kết quả là hai tháng sau, Hoàng đã ôm giỏ đồ của mình chuyển sang ở cùng một buồng giam với Lâm chín ngón. Kinh nghiệm sống và những lời thì thào to nhỏ trong đám giang hồ đã giúp Lâm thừa biết Hoàng sắp làm gì, nên cũng âm thầm chuẩn bị.

Nhờ đàn em bên ngoài kiếm cho một chiếc quai đeo ba lô hình chữ X bằng inox cho vào quả bí đỏ chuyển vào tù, Lâm mài mỏng thành con dao nhọn hoắt. Sau đó nhờ người mua hộ một chai rượu Remy Martin mời Hoàng uống. Say rượu, Hoàng lăn ra ngủ. Lâm bèn bảo Lý “lắc”, cậu bé ở chung buồng giam chuyên phục vụ trà nước đấm bóp cho Lâm đun nồi nước tắm. Khi nước sôi sùng sục, Lâm bê nguyên cả nồi đổ ụp xuống mặt Hoàng. Hoàng thét lên, quằn quại, nhưng không thấy đường để chạy. Rút dao đã chuẩn bị sẵn, Lâm đâm lên hồi vào người Hoàng mặc cho tên này van xin. Chỉ đến khi Hoàng đầu lâu cong người lên, ngáp ngáp mấy cái nằm im, Lâm mới ngừng tay. Tất cả 37 nhát. Lý “lắc” kinh hoàng đứng nép vào góc tường bưng mặt so vai mà không dám khóc. Cuộc giằng co xảy ra khá nhanh và bất ngờ. Khi Lâm đập ầm ầm vào cửa sắt báo mình đã giết người, viên cai ngục đang ngủ gật vẫn không tin. Lúc chạy vào, nhìn xác Hoàng hoen máu nằm thẳng đơ trên nền gạch, viên cai ngục mới thất kinh hỏi: “Sao mày giết nó?”. Vứt dao, Lâm đứng thừ người: “Tôi không đâm nó, nó cũng giết tôi”.

Lâm chín ngón lại bị tống vào biệt giam. Ở ngoài, Sơn đả vẫn lồng lộn. Nhưng chưa kịp nghĩ ra cách giết Lâm thì chính Sơn lại bị giết chết. Cũng như em ruột là Cương võ sĩ, Sơn bị hạ vì sĩ diện và bỏ mạng bởi đàn em: Phạm Bá Y, tức Y cà-lết.

Nghiệp chướng của một ông trùm

Sau năm 1975, với những tội lỗi đã gây ra, Lâm chín ngón tiếp tục phải sống một thời gian dài trong nhà tù của chế độ mới, chuyển qua nhiều trại giam từ Chí Hoà đi Côn Đảo, về trại cải tạo Cà Mau (năm 1977), sang trại Z30D Hàm Tân, Bình Thuận (năm 1982), lại chuyển qua trại Phú Sơn, Phú Khánh. Năm 1988, sau hơn 20 năm tù tội, Lâm được trả tự do, trở về TP HCM, làm đủ nghề kiếm sống. Năm 1993, Lâm cưới vợ và sinh con, lo chí thú làm ăn, mong muốn đoạn tuyệt hẳn với giới giang hồ.

Nhưng nghiệp chướng đã trót đeo đẳng, chưa chịu buông tha cho Lâm "rửa tay gác kiếm", an phận với cuộc hoàn lương. Một ngày cuối năm 1994, gặp 3 tên giang hồ mới nổi là Trúc lùn, Khải nheo, Tùng nhĩ ở quán thịt chó, Lâm đã nhận lời xuống vũng Tàu đòi Minh Samasa phải tìm cách lấy lại xe máy cho đàn em. Nguyên do là vợ chồng Đức năm nghệ - Sương L’Amour nhận lời cho đàn em xuống Vũng Tàu giúp Minh Samasa đuổi đánh đối thủ cạnh tranh là Phước đầu lâu, Hải lộ. Sau cuộc hỗn chiến, bọn Trúc và một số tên ở lại phá phách, bị công an tạm giam và tịch thu xe máy.

Khi xuống Vũng Tàu, Lâm được Minh đón tiếp niềm nở, đồng thời tổ chức nhiều chuyến ăn chơi du hí, rồi mời hợp tác làm ăn. Thấy nguồn lợi quá lớn (đám Dũng ba lém, Minh samasa tên nào cũng giàu sụ), Lâm chín ngón đồng ý. Sự có mặt của Lâm ở Vũng Tàu đã khiến cho các nhóm lưu manh khác khiếp vía, dạt ra hết, tạo điều kiện cho tụi Dũng, Minh độc chiếm cảng cá, tha hồ nâng hạ giá, bán mua tuỳ ý để làm giàu. Đổi lại, Lâm chỉ việc chường mặt ra cảng nhưng không phải mó tay vào bất cứ việc gì. Mọi chi phí ăn uống chơi bời đều được “bao cấp”, kèm sổ lương 5 triệu đồng/tháng. Minh và Dũng còn sắm cả xe máy cho Lâm để “đàn anh tiện đi lại làm việc”.

Thấy đất Vũng Tàu làm giàu quá dễ, Lâm nảy ra ý đồ làm ăn riêng, quyết không để đám tài phiệt cảng cá “lợi dụng tên tuổi mình mãi”. Ngay sau khi Lâm tuyên bố dự định này, lũ đàn em liền tức tốc gọi vợ chồng Đức - Sương xuống Vũng Tàu, gây áp lực để đuổi Lâm. Tuy “có số có má”, nhưng thân cô thế cô, không đương đầu nổi với liên minh tài phiệt kia nên sau vài tháng “chiến tranh”, Lâm chín ngón ngậm ngùi chạy trối chết khỏi Vũng Tàu để giữ mạng sống và “giữ tiếng trong giới giang hồ”.

Hai năm sau, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra quân xoá sổ nạn bảo kê lộng hành trên các cảng cá ở đây. Minh samasa và nhiều tên trong đám tài phiệt cùng nhau vào tù. Thấy vậy, Lâm lại rắp tâm quay lại độc chiếm cảng cá, nhưng cũng không xong do Đức năm nghệ bắn tin: “Nếu Lâm chín ngón mò xuống Vũng Tàu, mạng sống của Lâm và gia đình sẽ không được bảo đảm”. Thấy trước không chơi được, Lâm đành tạm bằng lòng với vị trí ông chủ quán thịt chó, sáng chở con đi học, tối đón con về.

Mọi chuyện tưởng chừng đã yên, bất ngờ tai vã bỗng chụp lên đầu Lâm chín ngón. Nhưng anh ta không hề có ý định trả thù và luôn cho rằng, kể từ nay, Lâm chín ngón không còn tồn tại nữa. Đúng hơn, trong giới giang hồ không còn hiện hữu cái tên Lâm chín ngón.


Trích "Người của giang hồ" - Nguyễn Hồng Lam.
Bài hay
NAD
15/02/2009
9

Comments

  1. Vỉa hè bàn chơi: "Giang hồ" khác với "Xã hội đen" - giống nhau về bản chất nhưng khác về phong cách. Giang hồ mang tính a ma tơ và anh hùng Lương sơn bạc. "than ôi thời oanh liệt nay còn đâu!"
    Cho nên dân "trong nghề" không coi Năm Cam là đại ca của giới giang hồ. Ông ta giống "bố già" kiểu Mỹ: Dùng bạo lực trấn áp đối phương và tiền lủng đoạn nhà nước để trục lợi phi pháp.

    ReplyDelete
  2. Nhất trí :D

    ReplyDelete
  3. comment thi comment moa doc blog cung co loi nguyen nua bo tay

    ReplyDelete
  4. 1 giang ho k phai~ chi~ lieu` mang cai quan trong la` cai' dau^` dy truoc' va` su lieu linH~ dy sau minh` rat^' phuc giang ho` hai~ phong` thanh` chan^

    ReplyDelete
  5. CUOC DOI CUA CAC ONG TRUM GIANG HO CHI CO 2 CON DUONG DO LA BI XU DUOI HONG SUNG GIANG HO 2 LA ZA PHAP TRUONG THOI TUY 11 NAM DA~ TROI QUA NHUNG TRONG LONG TOI CHI TON TRONG CHI DUNG HA THOI NHUNG THANG KHAC TOI CHA COI ZA KAI J HET THANG NAM CAM CON SONG THJ CHAC CHAN DE0 CAN J DEN CANH SAT 1MINH TOI CUNG DU CHO CA NHA NO LOT XAC CHO BAC DUNG ROI

    ReplyDelete
  6. Daikathay moj dung chat giang ho

    ReplyDelete
  7. Lai lam anh hung ban phim, nguoi da mat ma no van toet toac, dau do bim leo...

    ReplyDelete

Post a Comment

FeedBΛCK

!ИstΛgrΛm

nguyenanhduy.com, thằng điên

.........* Giao diện này sử dụng định dạng ảnh webp, hãy dùng trình duyệt phù hợp để có trải nghiệm tốt nhất!