Thủ môn phải... có máu điên!

by comments

Phải xin lỗi trước: Đây không phải là sự xúc phạm. Trên thực tế, từ tây sang ta đều tồn tại “triết lý” này trong môn bóng đá. Tất nhiên không thể vơ đũa cả nắm, nhưng quả có rất nhiều thủ môn nổi tiếng không chỉ vì xuất sắc mà còn vì những hành động điên rồ trên sân cỏ...

Kỳ 1: Những chuyện điên của Jens Lehmann

Chúng tôi bắt đầu từ nhân vật này, bởi anh đang là trung tâm chú ý ở Bundesliga. Vừa gia hạn hợp đồng với Stuttgart, Lehmann đã có bàn thua ngớ ngẩn (ôm bóng bước qua vạch vôi) trong trận gặp Bochum. Trước đó, đề tài về Lehmann hãy còn nóng hổi, khi anh bị gán là “kẻ ăn cắp giày” vì cách xử sự điên rồ trong trận gặp Hoffenheim. Cầu thủ Sejad Salihovic của Hoffenheim bị tuột giày trước khu cầu môn của Lehmann. Đáng lẽ mặc kệ Salihovic, hoặc lịch sự hơn thì cầm chiếc giày trả lại chủ nhân, Lehmann lại quăng luôn chiếc giày ấy lên nóc cầu môn của mình.

Chỉ vài ngày trước đó, Lehmann còn làm một chuyện khó coi trong trận gặp Zenit St. Petersburg ở Cúp UEFA. Ở trận này, đồng đội của Lehmann là Khalid Boulahrouz đeo một chiếc băng quanh đầu để giữ tóc. Chỉ vì thấy “chướng mắt”, Lehmann bỏ luôn khung thành chỉ để chạy lên giật lấy chiếc băng của Boulahrouz và quăng qua biển quảng cáo. Còn hồi đầu mùa, Lehmann đi tập bằng trực thăng riêng, làm ầm ĩ cả khu dân cư quanh sân tập khiến chính quyền địa phương dọa kiện.

Lehmann từng chơi bóng 5 năm tại Anh (khoác áo Arsenal) và 1 năm tại Italia (AC Milan), nhưng chỉ tính riêng ở Bundesliga, anh đã giữ kỷ lục thủ môn đầu tiên bị đuổi khỏi sân đến 4 lần. Khi Lehmann lập kỷ lục không ai muốn có này, nạn nhân của anh không phải là đối phương, mà là... đồng đội Marcio Amoroso, khi ấy Lehmann khoác áo Borussia Dortmund. Lehmann hành hung Amoroso cũng chỉ vì lý do hết sức đơn giản: “Đá gì mà thấy ghét”. Trọng tài Herbert Fandel giải thích quyết định phạt thẻ đỏ Lehmann: “Lỗi ấy đáng bị đuổi, bất kể nạn nhân là đối phương hay đồng đội”.

Lạ ở chỗ: Lehmann càng “điên” thì anh giữ gôn càng hay. Tại World Cup 2006, khi chính người Đức nghĩ rằng đội tuyển của họ dù có ưu thế sân nhà vẫn khó làm nên trò trống gì, Lehmann lại góp công lớn đưa đội vào đến bán kết. Những pha bắt 11m thành công của anh đã giúp đội Đức “kèo dưới” loại khỏi giải ứng cử viên vô địch số 1 Argentina. Anh cũng góp công không nhỏ giúp Arsenal lần đầu tiên lọt vào trận chung kết Champions League trong mùa bóng 2005-2006 ấy. Nhưng rồi, chính Lehmann lại trở thành thủ môn đầu tiên trong lịch sử Cúp C1/Champions League bị truấn quyền thi đấu ở trận chung kết. Bóng lăn mới 18 phút, Lehmann đã lĩnh thẻ đỏ.

Chuyện Lehmann cản phá thành công những quả sút luân lưu 11m của Argentina tại World Cup 2006 sau này được dựng thành phim. Thật ra, cũng chẳng còn gì bí mật. Ai cũng biết là trong loạt sút luân lưu ấy, một thành viên của ban huấn luyện chuyên theo dõi cầu thủ đối phương đã đưa cho Lehmann một mẩu giấy, ghi rõ đặc điểm sút phạt của từng cầu thủ. Lehmann nhét mẩu giấy vào vớ, sau đó xem kỹ trước khi bước vào loạt đấu súng. Anh xem và nghiền ngẫm rất lâu về Esteban Cambiasso trước khi phóng người bắt được cú sút của ngôi sao này. Câu chuyện về sự chuẩn bị công phu dẫn đến chiến thắng của đội tuyển Đức cứ thế được thêu dệt tiếp. Nhưng sự thật là: Mẩu giấy mà ban huấn luyện đưa cho Lehmann đâu có ghi chữ nào về Cambiasso, dù anh vẫn cứ gật gù: “Tôi xem kỹ lắm”, đúng là chuyện điên rồ!

So với Lehmann, chuyện “điên” của các thủ môn nổi tiếng như Rene Higuita, Jose Chilavert, Carlos Roa,... còn nhiều hơn. Và họ còn nổi tiếng hơn, thành công hơn Lehmann, trong nhiệm vụ chính là bảo vệ khung thành. Thế mới nói, thủ môn phải... điên một tí mới được! Chỗ này, người ta thậm chí đã nghiên cứu và giải thích, theo khoa học...


Kỳ 2: Carlos Roa

Vì sao các thủ môn giỏi vẫn thỉnh thoảng... trở chứng, làm những chuyện điên rồ chẳng ai có thể đoán trước?

Giới nghiên cứu tâm lý bóng đá cho rằng các thủ môn luôn cô đơn và chịu áp lực nặng nề. Không gian của họ bị giới hạn trong khu 16m50, thậm chí chỉ là khu vực 5m50, nhưng sự cô độc của thủ môn không chỉ nằm ở chi tiết đơn giản ấy. Thủ môn không thể tung hoành như các cầu thủ phía trên, gần như bị nghiêm cấm mọi sự sáng tạo, ngẫu hứng. Mà bóng đá là trò chơi tôn vinh các khoảnh khắc ngẫu hứng. Ở những khoảnh khắc đáng nhớ ấy, gần như chỉ có một vai trò duy nhất cho các thủ môn: Họ là nạn nhân, tồn tại chỉ để tôn vinh kẻ khác!

Thế mới có chuyện thủ môn Rene Higuita của đội tuyển Colombia “tự giải thoát” bằng cách nhào người song song mặt cỏ, co hai chân phá bóng trong tư thế của con bò cạp, trong trận giao hữu với đội tuyển Anh hồi năm 1995 (sau này, Channel 4 chọn đấy là một trong 100 khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử thể thao). Bi kịch cho các thủ môn như Higuita lại chính là ở chỗ ấy. Xin nhắc lại: Họ không được phép sáng tạo. “Cú bò cạp” dù có thành công cũng chẳng đem lại lợi ích gì cho đội bóng. Ngược lại, chỉ cần một chút sai lầm thì khoảnh khắc ngẫu hứng trở thành đại họa. Ở World Cup 1990, Higuita bị lão tướng Roger Milla của Cameroon trừng phạt. Một cách nghiêm túc, người ta vẫn nhớ đến bài học thất bại của Higuita tại World Cup 1990 hơn là khâm phục “cú bò cạp” của anh.

Cũng có không ít trường hợp, người ta trở thành thủ môn một cách bất đắc dĩ. Khi bọn trẻ Brazil chơi bóng, chỉ có những đứa “thấp cổ bé họng” nhất mới đành chấp nhận làm thủ môn, chẳng qua vì không được chơi tiền vệ hay tiền đạo. Trong những trường hợp ấy, thủ môn coi như đã chịu sự đè nén ngay từ buổi đầu tập tễnh chơi bóng. Có một nhà văn giải thích nguyên nhân khiến thủ môn mặc áo số 1: Vì anh ta là kẻ đầu tiên, đôi khi là duy nhất, phải chịu trách nhiệm trong mỗi bàn thua. Vì thua Uruguay 1-2 trong trận chung kết ở World Cup 1950 mà thủ môn Barbosa của đội Brazil bị nguyền rủa suốt đời. Hơn 40 năm sau đó, ông vẫn bị xua đuổi như một thứ “tà ma xui xẻo”, khi muốn đến thăm đội tuyển Brazil trong một đợt tập trung trước World Cup. Barbosa vẫn bị những phụ nữ Brazil miệt thị, dạy cho trẻ con nhổ nước bọt xuống đất khi tình cờ gặp “kẻ làm cho cả đất nước đau buồn”. Barbosa than thở trước khi qua đời (năm 2000): “Ở Brazil, hình phạt cao nhất cho kẻ giết người chỉ là 30 năm tù. Tôi bị xã hội kết án chung thân vì hai bàn thua, do lỗi của toàn đội”.

Thân phận thủ môn như thế, nếu họ có... điên, cũng dễ thông cảm.

Sai lầm ngớ ngẩn hoặc hành động bốc đồng của các thủ môn trên sân thường là không kể xiết. Nhưng chuyện “điên” của các thủ môn không chỉ dừng lại ở những gì xảy ra trên sân cỏ. Còn ai nhớ Carlos Roa? Đây là thủ môn Argentina đã chơi khá xuất sắc tại World Cup 1998. Cứ hỏi David Beckham và đồng đội, chắc chắn là họ chưa quên cái tên này (Argentina loại Anh ở loạt sút luân lưu 11m trong trận đấu đầy ắp sự kiện tại World Cup 1998). Nhưng không phải ai cũng biết Roa đang ở đâu, làm gì.

Lúc còn chơi bóng đỉnh cao, Roa có biệt danh là “Lechuga” (rau diếp), vì anh ăn chay trường. Mặc kệ thực đơn theo quy định của đội bóng, Roa chỉ ăn chay, nếu không chấp thuận thì anh nghỉ chơi! Sau khi vang danh ở World Cup 1998, Roa được cả Arsenal lẫn M.U dạm hỏi. Nhưng anh từ chối cả hai đại gia, cũng chẳng ký tiếp hợp đồng với Espanyol. Vì sao? Đang phơi phới ở tuổi 29, Roa cho rằng đã sắp đến... ngày tận thế. Anh rút về trang trại của mình ở một nơi hẻo lánh, suốt ngày chỉ cầu nguyện. Anh nói: “Chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, thôi thì đủ thứ. Thiên niên kỷ mới đồng nghĩa với ngày tận thế. Tôi thấy tội nghiệp cho những ai không hiểu điều này. Họ cần liên hệ với Chúa càng sớm càng tốt”...


Kỳ cuối: Cuộc đời Higuita

Có cả một giai đoạn dài, thủ môn nổi tiếng Fabien Barthez liên tục phạm sai lầm dẫn đến những bàn thua ngớ ngẩn cho M.U, nhiều đến nỗi người ta dùng luôn những pha xử lý điên rồ của Barthez để quảng cáo.

Tất nhiên, Barthez vẫn là thủ môn xuất sắc khi nhìn lại cả sự nghiệp của anh. Do vậy, những bàn thua ngớ ngẩn của Barthez được lý giải là do anh phải thường xuyên chịu áp lực nặng nề. Tương tự, áp lực cũng là nguyên nhân rõ nhất để giới bình luận lý giải vì sao Toni Schumacher bỗng nổi khùng, phóng người đạp Patrick Batiston trong pha chơi xấu rùng rợn nhất trong lịch sử World Cup. Ở Champions League mùa bóng 2007-2008, thủ môn Dida của Milan bỗng ăn vạ một cách không thể lố bịch hơn trong trận gặp Celtic. Cũng vì áp lực chăng?

Đa số, nhưng không phải tất cả. Cũng có những trường hợp, người ta lý giải sự điên rồ của thủ môn bằng chính cuộc đời của các thủ môn ấy. Trong số những thủ môn “khùng” nổi tiếng xưa nay, không ai đáng nhớ hơn Rene Higuita. Và có lẽ, cũng không ai có một cuộc sống ngoài sân cỏ “dữ dội” như Higuita. Những hình ảnh phóng túng, bất trị, nổi loạn của Higuita trên sân, có lẽ chỉ là sự lặp lại hình ảnh của anh ngoài đời. Giá trị tốt đẹp duy nhất của Higuita là anh chơi bóng vì niềm vui. Nhưng Higuita không hiểu rằng niềm vui của cá nhân anh đã giết chết ước mơ của các đồng đội xung quanh. Cho nên, Higuita đáng nhớ chứ không phải mẫu cầu thủ đáng khen. Ngoài đời cũng vậy.

Thời kỳ đỉnh cao của Higuita không chỉ gắn liền với chức vô địch Copa Libertadores năm 1989 của CLB Atletico Nacional, với pha “tự sát” trước Roger Milla ở World Cup 1990 hoặc “cú bò cạp” năm 1995. Hồi ấy, người ta còn biết đến Higuita bởi chính anh nói riêng cũng như CLB Nacional nói chung, nhận sự tài trợ của trùm ma túy Pablo Escobar. Higuita là một nhân vật nhẵn mặt trong thế giới ngầm ở Medellin, với cuộc sống phóng túng, hoang đàng từ khi còn trẻ. Năm 1991, Higuita vào tù thăm Escobar. Có lần, khi gặp rắc rối về mặt hợp đồng với Nacional, Higuita vào tù nhờ một người em của ông trùm, Roberto Escobar, chủ trì “công đạo”! Mệnh lệnh được đưa ra từ nhà tù và các giám đốc Nacional phải rút lại quyết định bất lợi đối với Higuita.

Năm 1993, có một bé gái 11 tuổi bị bắt cóc ở Medellin. Biết Higuita là nhân vật “có số” trong thế giới ngầm, bố của cô bé nhờ anh dàn xếp. Chỉ cần một cú phôn, Higuita lập tức có trong tay cô bé 11 tuổi và giao cho những kẻ bắt cóc 300.000 USD ở một nhà hàng sang trọng. Cũng tại nơi ấy, Higuita nhận tiền “thù lao” 50.000 USD từ bố cô bé. Toàn bộ sự việc lọt vào tầm ngắm của cảnh sát. Trước những chứng cứ rành rành, Higuita phải tra tay vào còng, ngồi tù 7 tháng và tan vỡ giấc mộng World Cup 1994. Đấy là kỳ World Cup mà cầu thủ xấu số Andres Escobar tự đưa bóng vào lưới nhà khiến Colombia bị loại. Escobar bị giới giang hồ bắn chết không lâu sau khi về nước. Ở kỳ World Cup trước đó, khi Higuita nổi hứng lừa bóng và bị Milla trừng phạt, bàn thua khiến Colombia bị loại lố bịch hơn nhiều so với pha bóng rủi ro của Escobar. Nhưng có ai dám động đến Higuita?

Người ta hỏi Higuita, đâu là giây phút đáng nhớ nhất trong cuộc đời anh? Thật bất ngờ khi thủ môn này lắc đầu trước mọi khoảnh khắc mà thế giới từng biết đến. Anh nói với tạp chí Sports Illustrated: “Thời gian ngồi tù là lúc tôi thấy quý nhất. Trong tù, tôi học được rất nhiều về trái tim và lòng trung thành của những con người bị xã hội gọi là bọn tội phạm, con nghiện, kẻ giết người. Tôi chỉ thấy trái tim của họ rất quý phái”! Cuộc sống có một Higuita như thế, chả trách bóng đá cũng có một Higuita... điên không chịu nổi!

...
[Theo Thể thao Hồ Chí Minh]



Một ngày trước trận đấu Bayern Munich - Hertha Berlin (Bundesliga 2007/08): trận đấu cuối cùng của Kahn trong sự nghiệp bóng đá đỉnh cao, anh đã trả lời phỏng vấn độc quyền tạp chí Der Spiegel:

Mọi người nói rằng "từ thích hợp nhất để miêu tả về Oliver Kahn là một người điên". Anh nghĩ gì về nhận xét này?

Điên rồ là yếu tố cần thiết cho các thủ môn. Đối với tôi, đó là phẩm chất không thể thiếu trong các trận đấu. Bởi chỉ có điên, bạn mới có thể mạnh dạn lao vào chân các tiền đạo đối phương và... nhận những vết bầm tím khắp người sau mỗi trận đấu. Nhưng trong suốt sự nghiệp của mình, tôi chưa bao giờ làm một cầu thủ nào bị chấn thương nghiêm trọng...
Football
NAD
08/04/2009
12

Comments

  1. Quá hay, bài đầu tiên của bạn mình đọc hết sạch :x

    ReplyDelete
  2. Bài đíu nào chả hay, chẳng qua bạn ko chịu đọc thui :x

    ReplyDelete
  3. cái thằng lehman đó hồi nó còn đó ở Ars tớ khoái lắm,vì lần nào gặp MU hay gặp đội nào có tiền đạo quái quái là nó lại điên,chả nhờ thế mà Ars thua mấy lần vì nó há há

    ReplyDelete
  4. Đùa, bóng đá bây jờ phải có thêm nhiều HIguita xem mới thích. Càng ngày cái kiểu run & kick của thg Ronaldo càng lên ngôi. Haizzzzzzz

    ReplyDelete
  5. Hehe, có một thời M.U cũng từng khốn đốn vì thói "ngông" của Fabien Barthez :D. Thằng này có sở thích khó bỏ là thích lên cao và dùng chân sử lý bóng - trong điện tử cũng thế, nhưng lại cũng hay có những pha cứu thua xuất thần. Nhưng nói tóm lại, cái mà người ta cần nhất ở thủ môn là sự ổn định và chắc chắn chứ ko phải những ông thủ môn "ngông" ở trên. Dù sao thì nó cũng làm bóng đá thêm màu sắc và thú vị hơn :D

    ReplyDelete
  6. Cười cứt :|

    ReplyDelete
  7. Thay hình nền nhìn ngộ nhỉ, trông rất hay. Tuy nhiên vẫn giữ được độ xấu vãi lều của cái theme :)

    ReplyDelete
  8. nhạc nền clip đầu nghe ngon, hình như là Wake up thì phải?

    ReplyDelete
  9. Sờ mầy xem đúng là huyền thoại Manchetơ thật :D

    ReplyDelete

Post a Comment

FeedBΛCK

!ИstΛgrΛm

nguyenanhduy.com, thằng điên

.........* Giao diện này sử dụng định dạng ảnh webp, hãy dùng trình duyệt phù hợp để có trải nghiệm tốt nhất!