Giang hồ đất Cảng

by comments
Photobucket

Kỳ 1: Giang hồ vô chủ

Một cú đụng xe, một ánh mắt thiếu thân thiện hay một dòng tin khó nghe trên mạng... cũng có thể đưa đến chuyện giết người. Đáng sợ hơn đó là những cuộc đâm chém, bắn giết tập thể của các băng nhóm thanh thiếu niên diễn ra liên tục trong mấy năm gần đây ở Hải Phòng.

Bắt mối với một “đại ca” tên Bính “chó” tuy đã rút khỏi giang hồ nhưng vẫn còn rất nhiều đệ tử, tôi trở thành thượng khách của một đám ong ve (đàn em) cực kỳ “năng động” trong chém giết.

Đêm cuối tuần đối với những chàng trai mới lớn này không phải là hẹn hò mà là để “xuống đường”, tức là tìm đối thủ để đánh nhau. Và tôi đã có mặt trong những cuộc “xuống đường” như vậy.

Những “ninja” trong đêm

Đêm đông, thành phố hoa phượng lúc 0g. Lòng phố vắng hoe, ánh đèn vàng vọt, run rẩy bởi cái lạnh đậm sương. Loẹt quẹt tiếng chổi quét đường và xì xụp mấy mái quán ăn nép mình trong các ngã ba. Vũ trường Biển Gọi lịm dần tiếng nhạc và đèn màu.

Tám gã thanh niên đầu nhuộm xanh đỏ, áo quần loang lổ chim cò tưng bừng men rượu Johnnie đầm (chở) trên bốn con ngựa sắt (xe máy) rú ga vượt qua cầu Rào tiến ra ngoại ô, vùng đông bắc thành phố. Cả bọn rẽ vào khu nhà trọ thường dành cho công nhân da giày với những dãy nhà cấp bốn lụp xụp chật hẹp.

Vinh “lì”, tiểu đại ca của cả bọn, nói: “Bọn em thuê nhà ở đây làm vòm (nơi trú ngụ) tạm thời”. Mỗi căn phòng chừng hơn chục mét vuông, một cái phản gỗ trải chiếc chiếu cũ. Bốn góc nhà la liệt những ống tuýp sắt dài ngắn, những thanh kiếm, mũi giáo tự tạo, búa rìu, mã tấu, bi sắt, dao chọc tiết lợn...

Vinh “lì” nói: “Hôm nay “xử” thằng Tuấn “chuột” trên Sở Dầu”. Vì sao giết? Vinh “lì” bảo: “Nó đang muốn lấy số (gây danh tiếng trong giang hồ). Mấy thằng ong của nó hôm nọ chat ngoài quán net chửi bạn em. Nghe nói nó còn xua quân đi tìm chúng em mấy đêm liền”...

Đám ong ve của Vinh “lì” lục tục chọn đồ găm, đeo vào người. Mỗi thằng dùng một khẩu trang đen bịt kín nửa mặt và đội mũ vải sụp kín mí mắt nhìn như những ninja chuyên nghiệp.

Toán “ninja” lên xe cắm đầu phóng vào thành phố, lượn lờ dọc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và sà vào bất cứ quán đêm nào còn sáng đèn. Vinh “lì” giải thích: đường bao (đại lộ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh chạy vòng quanh thành phố) là địa điểm thách thức, giao chiến, tụ tập... của các băng nhóm.

Bất ngờ hắn rú ga đột ngột đuổi theo toán xe máy phía trước. Chúng ép sát chiếc xe đi đầu và chiếu những ánh mắt sát nhân vào mặt người lạ. Đám thanh niên kia thất kinh luống cuống quẹt vào nhau loạng choạng.

Một cô gái rú lên khiếp đảm khi thấy tên bịt mặt cầm mũi giáo có lưỡi dao sắc lạnh gẩy cái mũ trên đầu bạn mình để xem mặt. Bọn ong ve cười ré lên rồi vọt qua. Chúng phấn khích đua nhau thả mũi giáo kéo lê trên mặt đường tóe ra những vệt lửa dài.

Có vẻ như không thấy dấu hiệu của bọn Tuấn “chuột”, Vinh “lì” dừng xe lột khẩu trang nói: “ Bốn thằng này đi theo Kiên “lợn” tìm nó từ cầu vượt đến ngã ba An Dương. Ba thằng kia theo anh xuống Chùa Vẽ rồi vòng sang Kiến An. Còn Hùng “hấp” vào quán net xem chúng nó có trên mạng không. Thấy ngà (nghi ngờ) thì phải gọi ngay!”.

Không tìm được Tuấn “chuột”, cuộc “xuống đường” kết thúc lúc 3g sáng. Cả bọn tụ tập trong một quán phở vỉa hè dưới gầm cầu vượt cắt đường Lạch Tray. Chúng tháo khẩu trang, ném hung khí loảng xoảng xuống đường khiến những người xung quanh tròn mắt kinh sợ rồi nhanh chóng đứng dậy.

Cả bọn thi nhau bốc nhón, nhổ bọt, đá ghế, cãi chửi... vừa rất trẻ con vừa rất du côn làm huyên náo cả đoạn đường. Khi vòm trời phía đông tan loãng màu khí nhạt, những chuyến xe lục tục từ ngoại ô vào thành phố thì lũ nghịch tử đưa nhau về khu nhà trọ lăn lóc ngủ.

Các cán bộ chuyên môn của Công an Hải Phòng cho biết loại hình tội phạm nổi cộm hiện nay ở thành phố là bọn côn đồ hung hãn. Chúng thường tụ tập với số lượng đông hình thành nên các ổ nhóm. Hải Phòng đang tồn tại khoảng 30 loại ổ nhóm như thế. Chúng có thể chém giết nhau vì bất cứ lý do gì.

Cuộc giáp chiến đẫm máu

Màu đêm loang dần theo những ngọn gió ồn ào về từ biển. Tại một căn nhà trên phố Đà Nẵng, xe dựng kín sân, đèn điện chói lóa, rượu thịt tưng bừng. Trong nhà có hơn 20 người, toàn thanh thiếu niên nam còn rất trẻ. Những gương mặt lạnh lùng, cô hồn lẫn cả nét hồn nhiên, hiếu động.

Bọn người ngồi đây nửa xa lạ nửa thân tình, ít những lời hỏi han, chúc tụng. Đám rượu của thanh niên nhưng diễn ra trong không khí trầm lặng, khẩn trương. Tiệc tàn sớm bởi từ cuối phòng cất lên giọng nói dõng dạc nhưng gọn lạnh của một kẻ được tất cả gọi bằng anh.

Đó là một thanh niên chừng 25 tuổi, người thấp, có gương mặt lầm lì và lạnh lùng. Hắn tên Tuấn, biệt danh Tuấn “lùn”, một đại ca nổi tiếng giang hồ Hải Phòng. Đại ý hắn nói: cách đây ít ngày hắn về thăm gia đình tại đây và đụng xe với mấy thằng ong của Quyền “quí” (một đại ca đang lên số ở xã Phương Lưu) ngoài đường bao. Dàn xếp bất thành.

Mặc dù đã nhận ra Tuấn “lùn” nhưng tối qua bọn ong ve của Quyền “quí” vẫn cho sáu thằng vào chém bố và em trai Tuấn “lùn” khiến cả hai phải nằm viện... Căn phòng bung lên những tiếng chửi thề, những ánh mắt giận dữ, những tiếng quát tháo đòi đâm, chém, bắn, giết… Tuấn “lùn” nói tiếp: “Nay tôi mời anh em đến để bàn kế hoạch giết chúng nó!”. Cả bọn ồ lên phấn khích. Tuấn “lùn” tuyên bố sẽ đầu tư 30 triệu đồng để phục vụ cuộc chiến.

Hắn cắt việc cho từng nhóm. Một nhóm lo “hậu cần”: khẩu trang bịt mặt, bi sắt, bom xăng, giáo, mã tấu, lưỡi lê, kiếm... và huy động ngựa sắt. Một nhóm thám thính, dò la địa điểm tập kết, di động và lực lượng đối thủ. Tất cả tiến hành ngay đêm nay, giờ này. Khi có lệnh, lập tức lên đường và chém giết thẳng tay.

Một góc khác trong thành phố, trước đó mấy ngày, hai đại ca Quyền “quí”, Phong “hồng” của nhóm Phương Lưu (địa danh chúng cư trú) cũng đã được nghe các ong ve báo cáo toàn bộ sự việc. Chúng phân tích: Tuấn “lùn” đã biết đối thủ là ai, thế nhưng nó vẫn muốn hơn phân (o ép). Mình không thể nhún, điều đó đồng nghĩa nó sẽ cho quân “phang” (đánh) mình. Vậy phải có kế hoạch “phang” nó trước.

Nhóm Phương Lưu tìm ra quỉ kế: chủ động vào nhà Tuấn “lùn” chém thân nhân nó. Tuấn “lùn” sẽ đưa quân truy tìm. Phương Lưu giăng bẫy, nhử vào tử địa... Đêm 4-11-2004 đội “tiên phong” gồm sáu tên bịt mặt đi ba ngựa sắt do Cảnh “thều” cầm đầu đã đến tận nhà bố Tuấn “lùn” chém ông già và em trai đối thủ đổ máu. Như tính toán, đêm 5-11 Tuấn “lùn” mở tiệc rượu, triệu tập ong ve và tung người do thám dấu tích bọn Phong “hồng”, Quyền “quí”.

Vào lúc 0g30 rạng sáng 6-11, tin ong của Tuấn “lùn” đưa về: bọn Phương Lưu thuê khách sạn Việt Trung trên đường bao đang tụ tập khoảng 30 thằng. Tuấn “lùn” hạ lệnh: một tốp đóng vai bán bánh mì, công nhân vệ sinh đô thị phục kích phía sau khách sạn. “Đại binh” sẽ tiến từ phía cảng Chùa Vẽ. Trong đánh ra ngoài đánh vào. Thẳng tay chém giết. Thế là dưới sự chỉ huy của Tuấn “lùn”, hơn 20 tên nghịch tử, mặt bịt khẩu trang đen, đầm ba, kẹp bốn, tay lăm lăm giáo, mác, kiếm, dao... rầm rập lên đường.

Chúng xuất phát từ đường Đà Nẵng, qua phố Dư Hàng Kênh, lên đầu cảng Chùa Vẽ và hướng về phía khách sạn Việt Trung. Nhưng khi đến chân cầu vượt, tức mới hơn nửa đường, thì Tuấn “lùn” thấy tiếng la hét, chân chạy, bom xăng và tua tủa dao kiếm của đối phương bao vây bốn phía. Đã “chập” (gặp) đối thủ.

Hai bên điên cuồng lao vào nhau. Bi sắt, gạch đá, vỏ chai bay vù vù, bom xăng đốt lửa đùng đùng, dao kiếm loảng xoảng trong tiếng hò hét, kêu la, đuổi chạy vang dậy cả một góc thành phố, man rợ như một cuốn phim xã hội đen. Quân tập hậu của Tuấn “lùn” có bốn tên đã bị chém gục trong ba phút. “Đại binh” kẹt giữa đường lớn.

Từ phía trước, sau và hai bên nách là các ngõ ngách đều không ngớt “hỏa lực” và giáo mác của bọn Phương Lưu tuôn ra. Tuấn “lùn” vỡ trận, “quân sĩ” nháo nhác và bị cắt xé thành nhiều mảnh nên gục ngã và bỏ chạy rất nhiều.

Khi công an xuất hiện thì bãi chiến trường là những vũng máu lênh láng, những thân hình quằn quại rên la và hung khí ngổn ngang. Có hai tên bị đâm, chém nát cổ, đầu, mặt… đã không thể cứu là Nguyễn Thành Chung (sinh 1980, trú tại 34/240 Tô Hiệu) và Lê Trọng Chiến (sinh 1983, trú tại khu tập thể Máy Chai, Ngô Quyền), đều là ong của Tuấn “lùn”.

Gần 20 tên khác trọng thương hầu hết cũng là quân của Tuấn “lùn”. Công an đã khởi tố 46 bị can, trong đó 28 tên có tội giết người. Hiện 37 tên đã bị bắt, chín đối tượng còn lại đang bị truy nã. Cuộc đại chiến chấn động thành phố đã kết thúc bằng hai cái chết, gần 20 kẻ tàn phế, thương tật, xấp xỉ 40 án tù cùng những lệnh truy nã đặc biệt. Thế là chỉ vì một cú va xe, hơn 40 thanh niên đã tàn phá cuộc đời mình một cách ghê rợn như vậy.

Đây là vụ thanh toán đẫm máu giữa ổ nhóm Tuấn “lùn” (tức Hoàng Anh Tuấn, sinh 1977) và Quyền “quí” (tức Nguyễn Đức Quyền, sinh 1984). Vụ án này có tính điển hình nhất cho bộ mặt thế giới giang hồ Hải Phòng thời hậu Dung Hà mà chúng tôi thu thập từ những nhân chứng trong giới anh chị cùng nội dung chuyên án 114 G của Công an thành phố Hải Phòng.

Một va chạm nhỏ đã được rửa bằng máu một cách kinh hoàng. Nhưng cũng có những vụ đổ máu vì một lý do cuồng loạn: tìm không thấy kẻ thù, dao kiếm đã sẵn trong tay, không lẽ “về không”...

Và máu người vô tội...

Photobucket
Bi sắt, quả te, kiếm giáo của đám ong ve Tuấn "lùn" và Phong "hồng", Quyền "quí" sau khi gây án.


Kỳ 2: Mùi máu

Để thâu đoạt quyền lực hòng làm bá chủ giang hồ, những tên trùm côn đồ buộc phải thể hiện “phẩm chất” giang hồ, ngôn ngữ riêng là “lấy số”. Phương pháp “lấy số” tốt nhất là chém giết những kẻ có số càng cao càng tốt và không bao giờ được phép để kẻ khác khinh thường, xúc phạm...

Rửa thù - nguyên tắc số 1

Đối với Vinh “lì”, điều đáng sợ nhất trên đời là để kẻ khác xúc phạm. Theo hắn, trong giang hồ có thể bị tù, bị đâm chém đến tàn phế, thậm chí bị giết cũng là chuyện bình thường. Nhưng nếu để bị xúc phạm thì bắt buộc phải tẩy rửa vết nhơ ấy bằng máu chứ không có một sự thương lượng, nộp phạt hay đền bồi nào khác.

Bởi thời điểm này giang hồ Hải Phòng không nghĩ đến tiền, không cần hợp tác, chưa cần thế lực mà tất cả là “danh dự”. Danh dự giang hồ là số má. Khi số má bị tổn thương, bôi nhọ thì phải rửa bằng máu. Hắn cũng hiểu rằng: rửa thù thành công cũng thường có nghĩa là chấm hết đời kẻ trả thù.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm thế giới giang hồ đất cảng tanh ngòm mùi máu. Một trong những điển hình là vụ trọng án ngày 3-7-2005 tại làng Ngọ Dương, An Hòa, An Dương gây kinh hoàng dư luận cũng bắt nguồn từ việc bảo vệ danh dự giang hồ...

20g, trời mưa, đường vắng. Tại một quán Internet ven đường có 10 thanh niên nam nữ đang chăm chú mỗi người một máy. Một chiếc taxi 12 chỗ ngồi phóng tới cửa quán net. Từ xe, 10 thanh thiếu niên nhảy xuống lao vào quán.

Không nói nửa lời, chúng vung dao tông, kiếm, mã tấu, dao quắm... đâm chém liên tục vào những người đàn ông trong quán không sót một ai. Sau một hồi chém giết man rợ, chúng điềm nhiên leo lên xe quay ngược hướng về Hải Dương. Tất cả sáu người đàn ông trong quán đều trọng thương. Nặng nhất là một người bị bay phần xương hộp sọ phía trên và một người bị đứt lìa bàn tay.

Hung thủ bị bắt. Đó là vợ chồng Nguyễn Đức Đại (sinh 1982) và Vũ Thị Kim Dung (sinh 1985, trú tại xóm 3 Tràng Duệ, Lê Lợi, An Dương) cùng 10 “chú” ong ve cực nhí. Ba tên sinh năm 1990 - tức 15 tuổi, hai tên sinh năm 1989, còn lại là sinh năm 1988. Lý do chúng chém người nghe không thể hiểu nổi: mấy hôm trước Đại đi qua khu này có va chạm và bị một số thanh niên cậy đông ăn hiếp. Về bàn với vợ và kêu đám ong nhí đem đồ đi tìm kẻ thù. Không nhớ mặt, nhớ tên, không biết nhà đối thủ. Nhưng chẳng nhẽ... “về không”, đằng nào cũng đã đến đây thì cứ chém những thằng đàn ông ở... gần chỗ mình bị xúc phạm cũng được! Vợ chồng Đại hạ lệnh: cứ đàn ông trong quán là chém hết!

Vinh “lì” cười nhạt: “Một khi đã bị xúc phạm thì phải chơi cho đến khi mình hoặc nó không còn trên đời này nữa thì thôi anh ạ”. Cách đây mấy năm khi bọn Vinh “lì” hay tụ tập ở ngã ba An Dương, ong của Vinh đã tát tai một kẻ qua đường. Không ngờ nó có “đàn” (ổ nhóm) và âm thầm đi tìm kẻ thù để giết.

Trong một tuần, tại quán xôi đêm ở ngã ba này có tới ba lần bọn “ninja” vác giáo đến xiên người trong quán. Nhưng cả ba lần chúng đều đâm nhầm. Lần cuối cùng, chính Vinh “lì” chứng kiến. Nửa đêm, ba con ngựa sắt đổ sáu thằng bịt mặt xuống quán. Hai thằng giật tóc một khách hàng lật ngửa đầu ra sau. Bốn thằng kia thi nhau cầm giáo xiên vào bụng, đùi, mặt nạn nhân. Máu nạn nhân túa ra đầy áo và thúng xôi của bà chủ quán đang chết lặng vì kinh hãi.

Đạp đổ nạn nhân, một thằng than phiền: “Nhầm rồi các anh ạ! Không phải thằng này!”. Bọn sát nhân lầm bầm chửi rủa, mượn giẻ lau máu ở yên xe, bực dọc gạt chân chống bỏ đi như vừa lỡ mua nhầm mớ rau...

Tất cả những tên giang hồ đất cảng đã từng nằm trại tị nạn Hong Kong đều không quên nỗi ám ảnh khủng khiếp của Sìn “cơm” những năm cuối thập kỷ 1980. Xuất thân từ một kẻ nấu cơm cho trại, hầu hạ các đàn anh, nhưng là kẻ chưa bao giờ biết đến tình người nên Sìn “cơm” có những phương thức, phong cách lấy máu kẻ thù lạnh lùng, tàn nhẫn và ghê rợn nhất.

Tố chất này khiến Sìn dần trở thành ông trùm giàu có và hùng mạnh nhất các trại tị nạn thời đó. Khi dư thừa tiền bạc và thế lực, Sìn “cơm” dẫn theo gần 100 đệ tử hau háu khát máu cùng những vali vàng, tiền trở về Hải Phòng “vinh qui bái tổ”. Sức mạnh của Sìn “cơm” lúc đó là vô địch. Nhưng vì đã gây quá nhiều nợ máu nên Sìn chỉ ngủ được ở quê nhà đúng một đêm trọn vẹn. Đêm thứ hai hắn đã bị sáu tên bịt mặt đột nhập vào nhà thắt cổ chết, cắt đầu ném ra hố xí công cộng...

Những mối thù của giang hồ đất cảng hiện nay dù nhỏ như cái kim hay lớn như Thái Sơn hầu hết đều được chúng rửa bằng máu một cách triệt để như vậy.

Giang hồ lấy số

Khởi nguồn của mọi “vinh hoa” trong giang hồ là phải có số. Đặc biệt trong thời điểm “thiên hạ” chưa có chủ soái thì cơ hội đó dành cho tất cả các đại ca trong mọi băng nhóm. Có số là có ong ve, có quyền lực... Đời giang hồ của Vinh “lì” đã chứng kiến một vụ lấy số ngoạn mục nhất là năm 2003. Khi đó bọn Hùng “tá” ở Cát Cụt mâu thuẫn và đã chém Tuấn “hân”, một đại ca đang nổi thời đó.

Tuấn “hân” tung tin: “Mày không đâm chết tao thì tao sẽ giết mày bằng được!”. Câu nói ấy rất nhiều “anh em” giang hồ đã biết. Tuấn “hân” vì hận mà phát biểu câu đó nhưng cũng vô tình tạo “thời thế” cho Hùng “tá”, tức là Hùng “tá” có điều kiện để lấy số. Khi Tuấn “hân” vào viện, Hùng “tá” cho “ly” (đàn em chuyên làm do thám) thay nhau phục ở viện để nắm tin tức.

Rình đúng hôm Tuấn “hân” ra viện, đang ngáo ngơ chờ taxi thì ba con ngựa sắt chở năm thằng ong của Hùng “tá” xáp lại chém Tuấn “hân” ngã dập mặt xuống vũng máu. Tuấn “hân” không chết. “Ly” của Hùng “tá” lại bám chặt bệnh viện. Lần thứ hai ra viện, Tuấn “hân” có vệ sĩ hộ tống cẩn mật nhưng vẫn bị bọn Hùng “tá” chém trọng thương. Đám ong ve của Tuấn “hân” bị đánh tan tác. Thân cô, lực mỏng, Tuấn “hân” buộc phải đánh tiếng rút lại lời tuyên bố và cũng chìm luôn trong giang hồ với một thân hình tàn tạ đầy thương tích...

Giới giang hồ Hải Phòng ngày nay đang tạo ra một “nguyên tắc” là: càng nổi (nổi tiếng) càng dễ vớt (bị đâm chém). Bởi vì muốn nổi tiếng, có đàn em, có số má thì không gì nhanh và hiệu quả bằng cách hạ kẻ đang nổi tiếng. Kẻ thực hiện nguyên tắc này một cách ráo riết và triệt để nhất là Giới “trâu”.

Là một trong những thủ hạ tâm phúc nhất của Dung “hà” nên Giới “trâu” được chị lớn đưa vào “khai phá đàng trong”. Dung “hà” chết, Giới “trâu” về Hải Phòng hòng gây dựng “nghiệp bá”. Hắn đưa ra huyết lệnh với đám ong ve: cứ tìm thằng nào gấu nhất, nổi nhất, có số nhất thì chém! Trong đám “đầu lĩnh” thân cận của Giới “trâu” có ba tên cực kỳ khát máu là Cường “gà”, Bình “thể” và Trung “nhom”.

Trong một năm, ba tên này hạ thủ liên tục những đại ca đang vươn lên chiếm lĩnh giang hồ. Cường “gà” và Bình “thể” sa lưới pháp luật. Trung “nhom” bị bọn Nam “vân” (một băng nhóm khác) bắn súng kíp, đạn ghém, găm hơn 40 viên bi thép vào đầu. Trung “nhom” nằm đủ các loại viện không khỏi và nghe nói đi Bỉ mổ rồi bặt tin. Giới “trâu” đúng lúc đứng trước ngưỡng cửa hoặc là đón những cơn “lũ máu” của giang hồ đòi nợ hoặc sẽ lên đỉnh cao số má thì hắn đột tử vì sốc ma túy.

Tuy dân anh chị đất cảng hành xử tàn bạo, nóng vội nhưng cũng không hẳn là không có mưu mẹo, chiến lược. Thủ pháp thông dụng nhưng hiệu quả nhất là nuôi “ly”. Để làm “ly” thường phải là trẻ con mới lớn, đua đòi giang hồ nhưng chưa có tiếng tăm, chưa theo ai và khá tinh quái. Đại ca khi thu nạp sẽ rất âm thầm, kín đáo.

Giao mật lệnh và thả “ly” ra đường. Nếu “ly” nhập được vào bọn của đối thủ thì quá tốt. Còn nếu không thì cũng tìm cách móc nối, nắm tin tức đối phương như: bọn chúng “làm trường” (đánh bạc), “bay” (lắc), hát hò, chat, game ở đâu, giờ nào, vũ khí có mang theo không... Điển hình là vụ án ngày 9-9-2005, Tuấn “hỏng” tức Hoàng Thanh Tuấn đã dùng “ly” mà có được tin bọn Trường “sinh” đang ăn chơi ở Kiến An rồi cho 10 em ong sang “úp”, bắn trọng thương Trường “sinh”, giết chết ong cầm tài (lái xe) của Trường “sinh”.

Để có những cuộc đánh lớn hiệu quả với hàng chục ong ve ô hợp, thiếu hiểu biết, dễ manh động, các đại ca phải biết sắp xếp, tổ chức, ẩn náu, truy tìm, cắt đặt... Và để có tính thống nhất, tập trung, chúng phải có đại bản doanh và các bộ phận chuyên môn. Các chiến sĩ đội H88 (chống tội phạm côn đồ hung hãn) Công an Hải Phòng cho biết họ nhiều lần ngăn chặn giải tỏa các vụ đâm chém kiểu côn đồ hung hãn khi chuẩn bị xảy ra.

Những lần như vậy họ thường ập vào “trụ sở” của chúng. Đó chính là các khu nhà cho thuê vùng ven. Tại đây nhiều ổ nhóm còn đưa theo cả đầu bếp rất giỏi nữ công gia chánh kèm theo nồi niêu xoong chậu để nấu nướng nóng sốt cho các “chiến binh”. Không chỉ thế, các đại ca muốn thắng lợi, giảm thương vong thì cũng phải có “binh pháp”.

Những tên xảo quyệt thường dùng nghi binh, cài bẫy, phục kích và “xua hổ nuốt sói” mà không vi phạm vào nguyên tắc trên. Vụ Phong “hồng”, Quyền “quí” đánh Tuấn “lùn” là một điển hình.

Đã thấy hình thành một mối quan hệ giữa đàn anh (anh) và đàn em (ong) trong giới giang hồ đất cảng. Mối quan hệ không bạn bè ruột thịt, không ơn nghĩa cao dày nhưng lại sẵn sàng tù tội, sẵn sàng giết người vì nhau...

Một câu chuyện về tính hung hãn và mù quáng.

Photobucket
Đại lộ Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Văn Linh, dân gian gọi là đường bao, sau 0g thường là nơi tụ tập, ẩu đả và truy sát của các băng nhóm côn đồ hung hãn.


Kỳ 3: Ong và anh

Không ruột thịt, không ân huệ sâu nặng, không tình nghĩa cao dày, thậm chí có thể còn chưa biết rõ nhau... nhưng chúng có thể sẵn sàng chết, sẵn sàng tù tội hay sẵn sàng giết người vì nhau... Đó là mối quan hệ ong (đàn em) và anh (đàn anh), đặc tính số một của giang hồ đất cảng hiện nay.

Những con ong mù quáng

- “... Anh có biết như thế là có thể phạm tội giết người không?
- Dạ có!
- Anh có biết giết người sẽ ngồi tù hoặc tử hình không?
- Dạ có!
- Người ta đe dọa, cướp bóc, đánh đập hay xúc phạm gì anh mà phải giết?
- Dạ không!
- Vậy tại sao anh lại quyết tâm hành hung người ta một cách nhẫn tâm?
- Dạ vì anh cháu bảo bọn nó coi thường anh ấy!
- Anh nào?
- Dạ anh T. là người chơi cùng nhóm bọn cháu!...”.

Trên đây là trích đoạn nội dung bản cung của một tên phạm tội cố ý gây thương tích ở Hải Phòng. Tên này đã khai báo rất thật rằng hắn cùng đồng bọn định giết người chỉ vì đại ca của bọn chúng nói rằng đã bị nạn nhân... coi thường.

Với Vinh “lì” thì đã gọi là anh có nghĩa là mình sẵn sàng “xuống đường” (chém giết) vì anh bất cứ lúc nào. Khi Dung “hà” chết, Giới “trâu” - đệ tử của thị - từ Sài Gòn về Hải Phòng tụ tập ba bốn chục chú ong để “lấy số”. Danh sách những đại ca cần phải lấy máu được Giới “trâu” đưa ra toàn những tay cộm cán khét tiếng, ong ve nhâu nhâu, khát máu tột độ. Đám ong ve của Giới “trâu” không lạ gì bọn này, thậm chí nghe tiếng chúng còn như nghe sấm dậy.

Thế nhưng chỉ trong vòng mấy tháng, những con ong ấy đã “chăm chỉ” chém giữa mặt, đâm thẳng bụng từng “quả núi” danh tiếng lẫy lừng ấy mà không hề run tay. Có được bản lĩnh đó chính là do huyết lệnh của đàn anh truyền xuống. Vinh “lì” bảo: đã là ý muốn của anh, đã có anh đứng đằng sau thì không còn kẻ nào đáng sợ nữa. Sự thần phục đại ca được giới giang hồ tuân thủ như tà giáo.

Chúng còn đón ý muốn của đại ca như đón khẩu dụ, thánh chỉ của hoàng thượng. Thanh “trọc”, một đàn em của đại ca Tú “mừng” ở phố Cái Dài, cũng từng đập chai đâm nát mặt một “thằng đeo kính Hong Kong và xích vàng quá to” ngồi ở bàn “VIP” trong vũ trường Làn Sóng Xanh. Lý do: anh Tú phàn nàn: “Kia là thằng nào? Sao trông nó khó chịu thế?”.

Thậm chí có những con ong còn “cả nghĩ” đến bần thần, mất ăn mất ngủ và coi mình như người có lỗi chỉ vì hôm nay thấy anh không vui. Hình như có thằng nào đó đã làm anh buồn mà mình không biết... Với nỗi “dằn vặt” ấy, nếu chú ong này mà đổ cho nguyên nhân là một người nào đó thì rất có thể một cuộc đâm chém sẽ xảy ra.

Tinh thần “nghĩa khí huynh đệ” này luôn phát sinh và nảy nở một cách mù quáng, bệnh hoạn như chính những lý do chém giết của chúng vậy. Các chiến sĩ trực tiếp giải quyết vụ Tuấn “lùn” đánh nhau với Phong “hồng”, Quyền “quí” cho biết: Tuấn “lùn” thường ngày chỉ giao du với khoảng 9-10 đồng đảng. Những kẻ “tâm phúc” này đều có số má và ong ve của riêng mình. Khi Tuấn “lùn” có “việc” thì các “đầu lĩnh” này đến và kéo theo những tên lâu la. Những lâu la đó lại móc nối với những nghịch tử khác.

Cứ như thế, đôi khi trong vòng nửa tiếng chúng dùng điện thoại và có thể triệu tập được nhiều chục tên đao búa. Những tên đó sẵn sàng giết người, sẵn sàng đi tù hoặc chết vì “giúp” một kẻ mà chúng không thân quen, thậm chí còn chưa biết mặt. Lý do duy nhất là: “Anh muốn thì phải làm!”.

“Làm anh khó lắm đấy!”

Tại một quán thịt chó trên đường mới mở từ An Đà ra đường bao trở nên ồn ào khác thường khi một toán thanh niên 13 người đi taxi bước vào. Vinh “lì” đứng bật dậy chào hỏi rất cung kính. Quay lại bàn hắn nói đó là anh Hòa “tắc”, nay là chủ hiệu cầm đồ. Hòa hiện là một trong những đại ca cộm cán với hàng trăm ong ve trung thành, thiện chiến...

Người đàn ông được giới thiệu có gương mặt lì lợm, kiệm lời, ngồi giữa một đám lâu la cô hồn. Vinh “lì” nói: yếu tố đầu tiên để trở thành một đại ca là bắt buộc phải có bản lĩnh, không biết sợ kẻ mạnh, không quị lụy, tham lam. Tuy nhiên để thật sự sở hữu được tính mạng của ong ve thì các đại ca phải biết cưu mang, hi sinh cho chúng.

Vinh “lì” khẳng định có thể xuống đường bất cứ lúc nào nếu anh Bính “chó” cần, vì trước đây Vinh thua bạc đã trót cầm xe của một sát thủ. Không có tiền để chuộc thì vừa mất tiếng vừa có thể mất mạng, Vinh “lì” tính chuyện đi cướp. Biết chuyện, Bính “chó” cho người chuộc xe, cứu Vinh mà không cần ghi nợ, thậm chí không cần cho Vinh biết. Khi về với Bính “chó”, Vinh “lì” thiếu tiền để “bay”, đánh bạc, ăn tiêu, mua điện thoại thì Bính “chó” đều chu cấp rất đầy đủ.

Vinh “lì” đã chứng kiến một thằng ong của Bính “chó” là Hải “bắn” vì xuống đường chém người giữ thể diện cho Bính “chó” mà phải đi tù. Bính “chó” cắt người thay phiên tiếp tế quà cáp, tiền bạc, quần áo... nuôi Hải “bắn” trong tù không thiếu thứ gì.

Trong trại, Hải “bắn” được Bính “chó” “thư từ điện tín” (nhắn tin) cho các đại bàng nâng đỡ nên Hải “bắn” lên số vù vù. Hết hạn, Hải “bắn” về bên Bính “chó” phục tùng như một cỗ máy, không chỗ nào không dám xông pha.

Các anh còn một nghĩa vụ lớn nữa là bảo vệ các em không bị kẻ khác bắt nạt. Tất nhiên việc này không khó vì các anh lại lấy máu nó rửa thù nó mà thôi. Ngoài những lúc cam go, hoạn nạn anh phải cưu mang thì hằng ngày anh phải lo cho các em ăn chơi, chat, bay, bia rượu, cá độ, cờ bạc và đâm chém. Việc của anh là lo tiền nong, tổ chức “sân chơi” cho các em.

Tuy nhiên các anh thời nay thường ở tuổi dưới 30, không vốn liếng lẫn khả năng hốt bạc nên “bầu sữa” nuôi ong ve cũng là mỡ nó rán nó. Ong ve của mỗi băng nhóm luôn có nhiều thành phần: giàu, nghèo, học sinh, lao động, lang thang, công tử, tù tội, nghiện ngập...

Nên có những thằng bám vào anh để có tiền ăn chơi nhưng cũng có nhiều kẻ đem tiền của nhà cấp cho anh. Xe @, Dylan, SH, lắc vàng, đôla... thậm chí xế hộp, nhà đất của bố mẹ cũng được các ong dâng hiến cho những cuộc ăn chơi trác táng của huynh đệ.

Ngoài nguồn này ra thì đại ca phải tổ chức “làm trường” (tổ chức đánh bạc) để xây dựng những “thùng tẩy” (tiền nhà cái) làm ngân sách chung. Để mở được sới bạc thì đại ca cần phải có đầu óc tổ chức, sự tinh quái nhất định. Sới bạc tuy không thể “cứng” để công khai, qui mô và ổn định như thời của Dung “hà” nhưng cũng phải biết làm bài (bịp bợm), xây dựng uy tín và đảm bảo trật tự. Những sới bạc kiểu này thường di động, chớp nhoáng và con bạc chủ yếu là giới giang hồ...

Có một yếu tố tối quan trọng khác để có thể làm trùm của lũ lâu la: sự tinh khôn ranh mãnh của những kẻ giang hồ. Đó là những màn kịch thể hiện “đức hi sinh”, lòng “bao dung độ lượng”, “trọng nghĩa khinh tài”, cứu vớt cưu mang đệ tử; kèm theo cách tung tin, thêu dệt đồn thổi danh tiếng của bản thân nhằm thu hút “anh hùng tụ nghĩa” và khuếch trương thanh thế.

Một trong những “lẽ sống” mà chúng cố tình xây dựng để truyền cho những thanh thiếu niên hư là: đã là giang hồ có số thì phải nuôi nhiều ong và đã là dân chơi thì phải có đàn, phải nằm dưới trướng một người anh danh tiếng nào đó...

“Cao chất sống” nhưng thiếu chất người

Một trong những lý do khiến những giang hồ Hải Phòng luôn có số má cao hơn nơi khác đó chính là, theo cách chúng thường gọi, “sống có chất”. Có thể hiểu đó là tinh thần vì đồng đảng mà coi nhẹ tiền bạc; trung thành, tôn trọng sự cam kết lẫn nhau một cách mù quáng...

Giới nghiên cứu hình sự từng có nhận xét: nếu như các ổ nhóm hay cá nhân trong giới giang hồ nơi khác có thù oán thì chúng có thể thanh toán nhau bằng nhiều cách, không loại trừ cách đánh trộm hoặc mượn tay kẻ khác..., nhưng với giang hồ Hải Phòng thì chúng thường không nhờ đến pháp luật và không thèm đánh trộm. Các chiến sĩ đội H88 Công an Hải Phòng thừa nhận rằng những vụ trọng án do bọn côn đồ hung hãn gây nên, rất ít khi họ nhận được sự hợp tác của bên bị hại vì chúng thề với nhau thắng thua cũng không nhờ công an.

Vinh “lì” kể: ba tên phạm tội cướp và lĩnh án từ 15- 20 năm tù. Một tên trong đó có gia đình khá giả, bố mẹ, ông bà là cán bộ và gia đình có công cách mạng. Bản thân hắn cũng mới sa ngã nên gia đình thuê luật sư, làm đơn xin giảm án. Cuộc chạy vạy rất vất vả, tốn kém và được tòa cho xét xử phúc thẩm.

Khi tòa tuyên án giảm hình phạt tù cho hắn thì hắn đứng lên phản đối, nhận hết tội lỗi về mình và còn khai ra thêm nhiều vụ án khác. Hắn cố gắng làm sao để hình phạt của mình bằng hoặc hơn đồng bọn. Vinh “lì” giải thích: đã coi nhau như anh em, nay nhà nó có điều kiện lo riêng cho nó thì anh em không vui. Nó sợ hiểu lầm, sợ “mang tiếng”, “mất chất” nên cố gắng làm sao cho anh em hiểu...

Vinh “lì” kết luận: các anh càng cao chất sống thì càng ít tiền. Sống tham lam vơ vét bỏ túi riêng, chi ra cho anh em mà ky bo, tính toán thiệt hơn thì không bao giờ đứng vững trong giang hồ. Vì vậy nên tuy danh tiếng hay “công tích” các ông trùm ở Hải Phòng lừng lẫy hơn nơi khác nhưng tiền bạc thì không thể bằng. Trong thời điểm này các đại ca có thể lấy máu của hàng chục, hàng trăm ong ve nhưng chưa chắc đã có nổi một chiếc xe máy đẹp.

Có thể khinh tiền tài vì đồng đảng nhưng lại sẵn sàng chém giết người vô tội để cướp tiền của. Có thể hi sinh xương máu cho chiến hữu nhưng không bao giờ biết đến cha già, mẹ yếu và sẵn sàng bóc lột của những người sinh ra mình từng đồng bạc vụn. Những tên giang hồ ấy có “cao chất sống” đến đâu thì cũng không đủ chất làm người. Và như vậy chúng càng có số thì càng gắn chặt với lối sống mù quáng và bệnh hoạn để trở nên nguy hiểm hơn cho người thân và xã hội.

Là mảnh đất sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt nhưng Hải Phòng cũng bị xem là nơi rất “phát” về lĩnh vực giang hồ.

Ở nơi ấy, một số thanh thiếu niên đang nuôi giữ những niềm vui, những sở thích thật sự ghê rợn. Chúng muốn trở thành dân anh chị...

Photobucket
Nghĩa trang Ninh Hải của Hải Phòng, một trong những kết thúc bi thảm của các đại ca và ong ve trong hành trình "lấy số".


Kỳ 4: Lẽ sống tội ác và sự sụp đổ của một “đế chế”

Thế “tam quốc” của giang hồ đất cảng bị phá vỡ bởi hai “nam tử” là Cu Nên và Lâm “già” sa lưới pháp luật hồi giữa thập niên 1990. “Thiên hạ” rơi vào tay một “cành liễu” có cái tên cũng rất dễ thương Vũ Thị Hoàng Dung, biệt danh Dung “hà”.

Với những chiêu thức tinh khôn và không lạm dụng bạo lực, thị đã xây dựng được một “đế chế” độc tôn, trật tự và khá an toàn cho thế giới tội phạm ở phố cảng. Nhưng quá khứ đó đã được thay bằng cảnh “hỗn mang” từ khi Dung “hà” chết. Vậy người đàn bà đó là ai?

Chân dung “ma nữ”

Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu có ba “ả tố nga” bên dòng sông Tam Bạc nước cả bốn mùa, Dung “hà” là út nhưng tính tình trầm lặng, lạnh lùng và quyết liệt nhất. Nhà ở phố Trạng Trình gần chợ, gần sông và gần bến xe nên tuổi dậy thì của Dung “hà” cũng là tuổi chập chững trong giới cướp giật móc túi ở Hải Phòng.

Cũng là kẻ đa đoan nên mối tình đầu của Dung “hà” là một gã du côn ít tên tuổi nhưng phong nhã tên là Hùng “chim chích” ở chợ Sắt. Hùng “chim chích” trưởng thành qua các tăng tù “bất khuất” (những trại tù có nhiều tội phạm nguy hiểm) nên hắn có những hình xăm hoa mỹ trên người. Ngập vào ma túy nên bản lĩnh Hùng “chim chích” trở nên thấp hèn. Một người “chí lớn” như Dung “hà” thì không thể coi đó là “tri âm”.

Chia tay Hùng “chim chích”, Dung “hà” yêu một đại bàng đầy số má, đẹp trai và cũng tên là Hùng - Hùng “cốm”. Dung “hà” sẵn cơ mưu, nhìn xa trông rộng, không cầu lợi nhỏ, không chấp chuyện vặt nên đôi uyên ương vùng vẫy trong giang hồ với kẻ tung người hứng, kẻ đấm người xoa rất ý hợp tâm đầu. Hùng “cốm” lãnh án dựa cột bởi tội giết người. Hận vì tình vỡ cộng với máu giang hồ, Dung “hà” tổ chức một cuộc cướp tù với kế hoạch cực kỳ táo bạo, công phu và đầy mưu mẹo.

Quà tắc tế được giấu một quả lựu đạn sẽ tìm một phương án khả dĩ nhất để đưa vào tới tay Hùng “cốm”. Một chiếc xe tải rách nát chuyên chở bắp cải, su hào sẽ đến gần cổng trại giam. Lựa thời điểm, Hùng “cốm” sẽ dùng lựu đạn cướp khóa, khống chế quản giáo, tháo thân. Lựu đạn cay, hỏa mù và các phương tiện đánh lạc hướng sẽ được đám đệ tử phát huy. Xe tải chở Hùng “cốm” phóng thẳng.

Hàng chục xe máy, công nông, xe thồ... sẽ có nhiệm vụ cản đường tại những trục chính đã được tính rằng xe công an có thể rượt đuổi. Hùng “cốm” chạy ra bờ biển. Xuồng nhỏ, xuồng lớn phục sẵn tại các điểm hẹn sẽ đưa kẻ đào tẩu đến phao số không và đi Hong Kong. Các tình tiết ngoại phạm, các phương án xóa dấu vết... được tính toán từng chi tiết.

Tuy nhiên kế hoạch bất thành. Người tình vẫn phải đền tội nhưng Dung “hà” đã khiến tất cả những tên côn đồ hữu dũng vô mưu hay những kẻ to mắt sợ ma phải cúi đầu bởi không chỉ vì lá gan, mưu sâu mà cả vì là liệt nữ hành hiệp “trọng nghĩa” hơn bất kỳ một đại ca nào.

Câu chuyện trên không được Công an Hải Phòng xác nhận nhưng nó đã trở thành một “huyền thoại” trong giới giang hồ đất cảng. Trong tất cả những trùm giang hồ Hải Phòng trong ba chục năm qua thì Dung “hà” được tôn trọng, nể vì nhất. Điều đó khiến đàn em thị trung thành nhất và đông đảo nhất.

Để được như vậy, Dung “hà” luôn tỏ ra độ lượng, thưởng phạt phân minh “ân đức” bao trùm lên thế giới giang hồ. Thị luôn tránh va chạm với dân thường bằng bạo lực. Trái lại, trong con mắt nhiều người, thị còn là một người đàn bà tốt bụng, hảo tâm. Đối với khu xóm, ai hoạn nạn ốm đau, thai sản đều được thị thăm hỏi, quà cáp.

Ngày lễ tết hay đi du lịch, chùa đền về, thị thường chia lộc, chia vui với bà con khu phố. Năm 1995, khi Dung “hà” bị công an bắt, có tới 45 người dân là bà con cùng khu phố thị ở đã viết đơn kêu oan cho Dung “hà”.

Không nuôi gái bán dâm, không ma túy, không đòi nợ thuê, không buôn lậu hay vận tải mà Dung “hà” chỉ tập trung “thâm canh” bằng cờ bạc và "làm luật" ở một vài khu chợ, bến bãi. Lựa chọn những ngạch làm ăn này vừa nhẹ nhàng, vừa ít va chạm lại thu nhập cao nên thị mở nhiều sòng bạc ở nhiều địa chỉ khác nhau. Tuy nhiên sới bạc tại nhà vẫn là qui mô nhất với đại gia đình tham gia.

Sau khi triệt phá hàng loạt băng nhóm tội phạm có tổ chức, năm 1995 Công an Hải Phòng bắt Dung “hà” về tội tổ chức đánh bạc và lãnh án 7 năm tù giam. Sau bốn năm thụ án, Dung “hà” được đặc xá. “Binh lực” và tiền bạc vẫn mạnh nhưng cửa làm ăn ở Hải Phòng đã hết, Dung “hà” tìm vào Sài Gòn và đã bị Năm Cam cho người hạ sát.

Cuộc tiễn đưa màu tối

Vinh "lì" kê: "Lúc đó khoảng 9-10 giờ tối, bọn em đang chơi xóc đĩa ở phố Cát Dài thì một anh có điện thoại. Vừa nghe được mấy câu ông ấy rống lên như bò bị cắt tiết, ném điện thoại xuống chiếu, mặt không còn hạt máu: “Chúng mày ơi chị mất rồi! Chúng nó bắn chị Dung chết rồi!”.

Cả chiếu bạc hơn 40 người nháo nhác như gà mất mẹ. Một anh già có vẻ cứng bóng vía nhất quát lên: “Ai bảo mày? Ai nói chị chết?”. Liên tục những cuộc điện thoại gọi đến gọi đi. Nhiều tiếng khóc thảm như trẻ con".

Đêm ấy, thành phố Hải Phòng như không ngủ. Tiếng khóc, tiếng chửi, tiếng bàn tán xì xào lẩn khuất khắp nơi trong thành phố. Ngôi vị cao nhất của giang hồ đất cảng đã chết không một lời trăng trối, đã bị hạ sát bởi một kẻ lạ mặt giữa lúc thị đang ngự trị giữa bầy đàn đệ tử. Lúc đó lòng thương xót và cơn uất hận của đám ong ve ngùn ngụt như lửa nhưng tất cả đều không biết ai là thủ phạm.

Thậm chí ban đầu ngay những đệ tử tháp tùng Dung “hà” vào Sài Gòn cũng không biết ai là kẻ chủ mưu hại Dung “hà”. Nhiều đầu lĩnh Hải Phòng đã thu xếp vào Nam đòi nợ máu nhưng không thể lên đường vì không rõ đối thủ. Vinh “lì” nói không biết là do quá khôn ngoan hay may mắn mà Năm Cam đã không lộ diện giết Dung “hà”.

Bởi nếu giang hồ đất cảng biết điều đó sớm thì dù Năm Cam có nhiều tiền và hùng mạnh đến đâu chắc chắn cũng không thể tránh khỏi thảm họa như Sìn “cơm” thời mới ở Hong Kong về.

Thi thể Dung “hà” đã được tắm gội, khâm liệm, cúng tế bằng những nghi thức trang trọng và ngay lập tức được đưa vào quan tài kẽm chở về Hải Phòng trong chuyến bay sớm nhất. Giang hồ đất cảng đã tiễn đưa “người chị” đoản mệnh về nơi chín suối bằng một đám tang kỳ quái chưa từng có ở VN.

Từ mờ sáng trên các tuyến phố lớn và đại lộ huyết mạch từ khu trung tâm thành phố (bến xe Tam Bạc, gần phố Trạng Trình, nhà Dung “hà”) dẫn ra nghĩa trang Ninh Hải nằm ở ngoại ô hướng đông nam đã xuất hiện hàng dãy dài những thanh thiếu niên nam khôi ngô tuấn tú mặc đồng phục comlê đen, kính đen, cài dải tang trên áo đứng nghiêm cẩn dọc hai bên để dẹp đường, cấm tất cả các loại xe hoạt động.

Tiếng trống phách, thanh la vang lên não nuột nhưng rất ồn ã từ phố Trạng Trình. Đi đầu đám tang là những cô bé, cậu bé mặc đồ trắng, cầm cờ, hoa, câu đối đi chậm rãi, ngay ngắn. Phía sau họ là một cái kiệu gỗ có ảnh người chết, bát hương và một số đồ cúng tế do những người đàn ông lực lưỡng cáng trên vai.

Vòng xung quanh kiệu là rất đông nhà sư, thầy cúng, ông đồng bà cốt vừa đọc kinh, lần hạt, nhảy múa và hát. Phía sau là những đoàn người trong tang phục đen mà chủ yếu là đàn ông với rất nhiều vòng hoa lớn. Hai bên đường là hai hàng xe hơi màu đen toàn loại sang trọng rì rì lăn bánh theo bước chân người.

Một chiếc quan tài phủ hoa rực rỡ được công kênh bằng những cánh tay người cao vút trên đầu. Đám tang ngày một thêm đông, người đưa ma kéo dài hàng cây số. Các loại phương tiện lớn nhỏ đều phải dừng lại dưới sự chỉ huy của những thanh niên mặc đồ đen. Dân đổ kín hai bên phố và theo chân quan tài đi nhiều tiếng đồng hồ ra tới nghĩa trang.

Tất cả những tên du đãng ở Hải Phòng lúc đó, dù trong đời chưa một lần được “chị” biết đến, thậm chí chưa được nhìn thấy “chị” cũng tự nhận mình là em, là cháu Dung “hà” mà khóc lóc thảm thiết...

Đám tang qui mô, long trọng và kỳ lạ chưa từng thấy ở thành phố này do một đại ca đầy danh tiếng ở Hải Phòng cũng đang lập nghiệp ở Sài Gòn là Minh “sứt” đạo diễn (Minh “sứt” nguyên là công an Hải Phòng, sau bị đưa ra khỏi ngành, vì buôn ma túy hắn bị Tòa án nhân dân TP.HCM xử chung thân).

Vinh “lì” giải thích: do kính trọng Dung “hà”, do muốn lấy uy tín ở Hải Phòng nên Minh “sứt” muốn “chia sẻ” mất mát ấy với huynh đệ quê nhà. Và “chia sẻ” ấy chưa được bao lâu thì đến lượt Minh “sứt” vào tù, nhận mức án suốt đời sau song sắt.

Vì sao mảnh đất này lại không ngừng sinh ra những quái kiệt giang hồ? Vì sao hiện nay một bộ phận giới trẻ hứng thú với lẽ sống tội lỗi và chạy theo những thang “giá trị đen”? Cuộc trò chuyện với thượng tá Dương Tự Trọng, trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thành phố Hải Phòng.

Photobucket
Một góc phố Trạng Trình - Hải Phòng, nơi Dung "hà" sinh ra và lớn lên.


Kỳ 5: “Những ổ nhóm tội phạm đang bị triệt phá từ trứng nước”

Vì sao hiện nay một bộ phận giới trẻ Hải Phòng hứng thú với lẽ sống tội lỗi và chạy theo những thang “giá trị đen”? Và chúng ta đang đối mặt với câu chuyện này như thế nào?

Thượng tá Dương Tự Trọng - trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng - cho biết:

- Gần đây ở Hải Phòng xuất hiện một số vụ án gây rối trật tự công cộng, đánh người gây thương tích, giết người... do các đối tượng là thanh thiếu niên tổ chức thành các ổ nhóm và xung đột với nhau. Các đối tượng thường tham gia gây án với số lượng rất đông, sử dụng các loại hung khí nguy hiểm, hành vi phạm tội tàn bạo, côn đồ. Chúng tôi gọi loại tội phạm này là côn đồ hung hãn.

Đặc thù của chúng là các đối tượng thường rất trẻ, độ tuổi trung bình trên dưới 20, không ít các đối tượng là trẻ vị thành niên. Những kẻ chủ mưu, cầm đầu khác với trước đây ở chỗ chúng cũng rất ít tuổi, không phải là những tên tội phạm vào tù ra tội, cướp bóc chuyên nghiệp... tóm lại không nổi tiếng giang hồ.

Các đối tượng này cơ bản là nhận thức rất kém và chúng chỉ có thể phạm tội khi có đông đồng bọn. Điều đáng nói là tuy nhân thân không quá xấu nhưng chúng lại luôn sẵn sàng phạm trọng tội chỉ vì những lý do hết sức đơn giản. Động cơ phạm tội của chúng thường là tâm lý đua đòi, thể hiện cá tính, chơi trội, sĩ diện.

* Ông có cho rằng từ sau những tên trùm tội phạm có tổ chức như Cu Nên, Lâm “già” và đặc biệt là Dung “hà” bị xóa sổ, Hải Phòng không còn những tên cầm đầu nên các ổ nhóm tội phạm hình thành và tranh giành quyền lực bằng những hành vi côn đồ hung hãn?

- Với những nỗ lực không ngừng của lực lượng công an các cấp ở Hải Phòng cũng như sự phối kết hợp với công an cả nước trong phong trào truy quét tội phạm có tổ chức, đến nay có thể khẳng định Hải Phòng không còn tổ chức tội phạm nào hoạt động theo kiểu xã hội đen. Những tên trùm sỏ gây nhiều tội ác, khiến dư luận bất bình như Cu Nên, Lâm “già”, Minh “sứt”, Dũng “Bắc Cạn”, Dung “hà”... đều đã bị quét sạch.

Xã hội chúng ta không ngừng phát triển và điều đó không tránh khỏi những tiêu cực, giới tội phạm cũng ký sinh và nảy nở, biến thái theo. Tội phạm xã hội không bao giờ mất một cách triệt để. Và vì vậy một tên trùm sỏ không còn không có nghĩa là địa phương đó sẽ không bao giờ có tội phạm hình sự nữa. Việc Dung “hà” chết không phải là lý do quan trọng khiến bọn côn đồ hung hãn hoành hành.

* Thưa ông, việc bọn tội phạm hình thành các ổ nhóm lớn, hoạt động bất chấp pháp luật, hành xử côn đồ tàn bạo giống như mô hình các băng nhóm xã hội đen trên phim ảnh nước ngoài, có thể gọi đó là bọn xã hội đen VN?

- Đây không phải là tội phạm xã hội đen hay theo kiểu xã hội đen. Vì căn cứ theo các tiêu chí phân loại tội phạm thì băng nhóm tội phạm phải hoạt động vì mục đích kinh tế, có quan hệ với giới chức chính quyền, doanh nghiệp và chúng gây án với những ai cản trở công việc làm ăn của chúng.

Hiện nay các ổ nhóm côn đồ hung hãn ở Hải Phòng cơ bản là những thanh thiếu niên rất trẻ. Chúng không tham gia làm ăn, buôn bán, vận tải, làm luật... tóm lại không vì kinh tế. Chúng không xây dựng quan hệ hay dựa vào thế lực của những cán bộ chính quyền biến chất và không xung đột với ai, ngoài những băng nhóm đối thủ. Động cơ phạm tội thường vì sĩ diện, ganh đua và đạt sở thích tội lỗi.

* ở góc độ phòng chống tội phạm, ông đánh giá gì về hiện tượng đó?

- Trong một xã hội không ngừng phát triển như xã hội ta thì mỗi người, mỗi ngành đều phải xác định cũng không ngừng phải đối mặt với những nhiệm vụ mới cùng những thách thức, cam go mới và với chúng tôi là cả nguy hiểm mới. Với hiện tượng cụ thể này, chúng tôi xác định đó là loại tội phạm mới.

Nó ra đời bởi tính tất yếu trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường cộng với một số đặc thù địa phương. Loại tội phạm này không gây nguy hiểm đến những người dân bình thường, không lũng đoạn, tha hóa cán bộ chính quyền, không vì mục đích kinh tế. Tính nguy hiểm của nó nằm ở chỗ: coi thường pháp luật, ngang nhiên, mất nhân tính; cổ vũ cho những lối sống tội lỗi, ma quái của một bộ phận thanh thiếu niên và gây hoang mang dư luận...

* Ông cho rằng loại tội phạm côn đồ hung hãn có nguyên nhân từ đặc thù địa phương?

- Không chỉ loại tội phạm này mà TP Hải Phòng từ xưa đã xuất hiện những tên tướng cướp, các băng nhóm tội phạm khét tiếng nguy hiểm. Tôi cho rằng với bản tính người vùng biển cương trực, năng động, ít chịu khuất phục; cộng với đặc thù có hệ thống cảng biển lớn lâu đời; gần biên giới; là một đô thị có lịch sử kinh tế, giao thương, du lịch sầm uất... nên nhiều mặt kinh tế, văn hóa xã hội và con người của Hải Phòng cũng thuận lợi cho phát triển.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, một xã hội phồn thịnh luôn có một xã hội bóng tối ký sinh tương ứng.

* Theo ông, tội phạm côn đồ hung hãn nảy sinh bởi những nguyên nhân cụ thể nào?

- Đây là một chùm những lý do: sự bất cập trong giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội; của việc quản lý văn hóa, cụ thể là phim ảnh, văn hóa phẩm kích động bạo lực. Việc quản lý các quán bar, nhà trọ, khách sạn. Nhưng thật ra nguyên nhân sâu xa nhất là một bộ phận giới trẻ bị “suy dinh dưỡng nhân cách” khiến họ không rõ ràng phương hướng phấn đấu, không có lý tưởng sống cao đẹp.

Sự tha hóa, xuống cấp của một bộ phận đạo đức xã hội và sự thay đổi thang giá trị cuộc sống cộng với sự tác động của mặt trái từ nền kinh tế thị trường khiến những tiêu cực đã thấm vào họ khi họ chưa được trang bị sức đề kháng hay kiến thức để phân biệt rõ ràng.

* Lực lượng an ninh đã đối mặt với hiện tượng này như thế nào?

- Giống như tất cả các loại tội phạm khác, chúng tôi triệt để áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý. Tất cả các ổ nhóm từ lúc có dấu hiệu hình thành đã được theo dõi, điều tra nắm bắt. Khi có thể chúng tôi lập tức triệt phá.

Loại tội phạm này chỉ thật sự có thể bắt giữ khi chúng hành động (các cuộc ẩu đả chỉ hành động chớp nhoáng) vì bình thường chúng là những thanh thiếu niên không có các dấu hiệu vi phạm pháp luật như bọn buôn lậu, ma túy, mại dâm... Và lực lượng công an các cấp của thành phố phải liên tục nắm sát mọi diễn biến hoạt động của chúng để giải tỏa ngăn chặn những cuộc đụng độ, ẩu đả. Cao hơn là xóa bỏ toàn ổ nhóm.

Những ổ nhóm này thường có “tuổi thọ” rất ngắn bởi chúng không có thủ đoạn tinh vi, thậm chí rất phô trương. Mỗi năm chúng tôi triệt phá hàng chục ổ nhóm như vậy. Càng triệt phá, càng đưa ra công khai thì dư luận càng nhìn thấy nhiều tội phạm. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng điều đó không có nghĩa là xã hội đang mất an ninh trật tự, mà chúng ta đang kiên quyết, triệt để đấu tranh và đấu tranh có kết quả tốt.

Thật ra các vụ trọng án do bọn côn đồ hung hãn gây ra trên địa bàn thành phố luôn có chiều hướng giảm dần và tỉ lệ các vụ án rất thấp so với nguy cơ. Xét ở góc độ khác, những ổ nhóm này tuy chưa là tội phạm xã hội đen nhưng đó chính là mầm mống của các băng nhóm theo kiểu xã hội đen. Đến nay Hải Phòng không còn các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen và vẫn đang là mảnh đất vô cùng khó dung nạp chúng.

* Thưa ông, như vậy là những vụ án đâm chém, bắn giết tập thể ở Hải Phòng sẽ ngày một giảm và tiến tới bị quét sạch?

- Như tôi đã nói: tội phạm luôn ký sinh trong xã hội. Nhiệm vụ của người giữ gìn an ninh trật tự thật ra chỉ là chống phá chúng ở phần ngọn. Nếu xét đến phần gốc của loại tội phạm côn đồ hung hãn thì chúng ta phải chữa trị từ căn nguyên. Đó là bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức, tạo môi trường đời sống tinh thần; quản lý hiệu quả các hoạt động văn hóa, dịch vụ...

Và cao hơn nữa: nếu như người trẻ hay học đòi, bắt chước thì chúng ta cần xây dựng một xã hội có thật nhiều điều tốt để họ bắt chước. Riêng với chức năng, nhiệm vụ của mình chúng tôi đã và đang hành động cũng như rất tin tưởng vào những nỗ lực của mình.

* Xin cảm ơn ông.

Photobucket
Để có một Hải Phòng bình yên, Công an Hải Phòng đã nỗ lực cùng công an cả nước truy quét những ổ nhóm tội phạm có tổ chức.


QUANG THIỆN thực hiện
Theo Tuổi trẻ Online (2/2006)
Bài hay
NAD
23/07/2010
9

Comments

  1. Quá hay :x e leech nhé :x

    ReplyDelete
  2. Chú cứ tự nhiên như ruồi Hà Lội, cái này anh cũng copy paste lại mà, nhớ ghi nguồn cho tác giả là ổn :))

    Chuẩn bị post típ bài kế: Chuyện kể những "huyền thoại" trong giang hồ miền Nam trước nay =P~

    ReplyDelete
  3. Đm hay quá nhưng dài, jờ bệnh lười đọc nặng rồi. Cái gì đọc mấy dòng đầu hay là đem đi post, sau có khi đéo đọc lại :))

    ReplyDelete
  4. ĐM hay lém bạn ạ, cố đọc đi :D. Mìn khoái cái thể loại này, mặc dù nhát bỏ má =))

    ReplyDelete
  5. 'Giang hồ' đất Cảng thoát chết sau 2 lần bị ám sát

    Đang đứng nghe điện thoại, nạn nhân bị hai thanh niên đi xe máy mặc quần áo sẫm màu, rút súng bóp cò. Thủ phạm lên xe tẩu thoát khi "đối tượng" gục ngã bên vũng máu.

    Chiều 11/10, các bác sĩ bệnh viện Việt Tiệp cho biết, nạn nhân là Vũ Hưng Ngọc (28 tuổi) ở quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng đã qua cơ nguy kịch và vừa được chuyển lên điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội. Nam thanh niên này bị bắn bằng đạn hoa cải, vỡ ổ bụng.

    Một tuần trước đó, (rạng sáng 4/10), Ngọc đứng nghe điện thoại thì bị hai người đi xe máy, đầu đội mũ lưỡi trai, quần áo tối màu, ập đến rút súng bóp cò. Sau tiếng nổ, nạn nhân gục ngã bên vũng máu, thủ phạm lên xe tẩu thoát.

    Ngọc được xác định là người mới "nổi" và có "số má" ở đất Cảng với biệt danh là Ngọc "trố". Nam thanh niên này cũng được công an thành phố Hải Phòng "để mắt" đến vì từng có tiền án, tiền sự về tội cố ý gây thương tích. Hai tháng trước, tại đường Tôn Đức Thắng, quận Lê Chân (Hải Phòng), Ngọc cũng bị một nhóm người dùng súng sát hại nhưng đã thoát chết.

    Hiện, công an quận Ngô Quyền làm rõ hai nam thanh niên dùng súng bắn Ngọc và ra lệnh bắt khẩn cấp.

    http://vnexpress.net/GL/Phap-luat/2009/10/3BA146EE/

    ReplyDelete
  6. Không biết tại sao xã hội đen ở HP lại trầm trọng hơn nhiều so với các nơi khác? Các bác nào hiểu biết vấn đề này chia xẻ với mọi người với.

    ReplyDelete
  7. Có lẽ do đặc điểm con người, lối sống đã ăn vào máu và tạo ra "phong cách" của từng vùng miền. Nói rõ ra thì rất là rông dài :D

    ReplyDelete
  8. Giờ lấy mấy cái này ném lên FB kiếm view à. :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nhiều bài đăng cũ trên blog này có cái hay ko thay đổi theo time :v. Vì thế nên dù 2 3 năm gần đây ít post bài mới nhưng lượng view vẫn ko tồi.

      Sau những loạt bài kiểu như trên trên mạng, hình mẫu Dung hà đã lên sóng VTV qua phim dài tập và mới đây nhất là phim điện ảnh Hương ga.

      Delete

Post a Comment

FeedBΛCK

!ИstΛgrΛm

nguyenanhduy.com, thằng điên

.........* Giao diện này sử dụng định dạng ảnh webp, hãy dùng trình duyệt phù hợp để có trải nghiệm tốt nhất!