Biên Giới Tháng Hai (17/2/1979 - 17/2/2009)

by comments
Photobucket

Tháng Hai, những cây đào cổ thụ trước cổng đồn biên phòng Lũng Cú, Hà Giang, vẫn chưa có đủ hơi ấm để đâm hoa; những khúc quanh trên đèo Tài Hồ Sìn, Cao Bằng, vẫn mịt mù trong sương núi. Sáng 7-2 nắng lạnh, vợ chồng ông Nguyễn Văn Quế, 82 tuổi, nhà ở khối Trần Quang Khải 1, thị xã Lạng Sơn, ngồi co ro kể lại cái chết 30 năm trước của con trai mình, anh Nguyễn Văn Đài. Năm ấy, Đài 22 tuổi. Ông Quế nói: “Để ghi nhớ ngày ấy, chúng tôi lấy Dương lịch, 17-2, làm đám giỗ cho con”. Năm 1979, vào lúc 5giờ 25 phút sáng ngày 17-2, Trung Quốc nổ súng trên toàn tuyến biên giới Việt Nam, đánh chiếm từ Phong Thổ, Lai Châu, tới địa đầu Móng Cái...

“Những đôi mắt”

Hôm ấy, ông Quế không có nhà, vợ ông, bà Dự, bị dựng dậy khi bên ngoài trời hãy còn rất tối. Bà nghe tiếng pháo chát chúa ở hướng Đồng Đăng và phía dốc Chóp Chài, Lạng Sơn. Bà Dự đánh thức các con dậy, rồi 4 mẹ con dắt díu nhau chạy về xuôi. Tới ki-lô-mét số 10, đã quá trưa, bà rụng rời khi hay tin, anh Đài đã bị quân Trung Quốc giết chết. Anh Đài là công nhân đường sắt, thời điểm ấy, các anh đương nhiên trở thành tự vệ bảo vệ đoạn đường sắt ở Hữu Nghị Quan. Anh em công nhân trong đội của Đài bị giết gần hết ngay từ sáng sớm. Đài thuộc trong số 3 người kịp chạy về phía sau, nhưng tới địa bàn xã Thanh Hòa thì lại gặp Trung Quốc, thêm 2 người bị giết. Người sống sót duy nhất đã báo tin cho bà Dự, mẹ Đài.

Cùng thời gian ấy, ở bên núi Trà Lĩnh, Cao Bằng, chị Vương Thị Mai Hoa, một giáo viên cấp II, người Tày, mới ra trường, cũng bị giật dậy lúc nửa đêm rồi theo bà con chạy vào hang Phịa Khóa. Hàng trăm dân làng trú trong hang khi pháo Trung Quốc gầm rú ở bên ngoài, rồi lại gồng gánh theo nhau vào phía Lũng Pùa, chạy giặc. Chị Hoa không bao giờ có thể quên “từng đôi mắt” của dòng người gồng gánh ấy. Giờ đây, ngồi trong một cửa hàng bán băng đĩa trên phố Kim Đồng, thị xã Cao Bằng, chị Hoa nhớ lại: “Năm ấy, tôi 20 tuổi. Tôi nghĩ, tại sao mình lại chạy!”. Chị quay lại, sau khi thay quần áo giáo viên bằng bộ đồ chàm vì được những người chạy sau cho biết, rất nhiều người dân ăn mặc như cán bộ đã bị quân Trung Quốc giết chết. Từ trên đồi, chị Hoa thấy quân Trung Quốc gọi nhau ý ới và tiến vào từng đoàn.

“Cuộc Chiến 16 Ngày”

Ngày 15-2-1979, Đại tá Hà Tám, năm ấy là trung đoàn trưởng trung đoàn 12, thuộc lực lượng Biên phòng, trấn ở Lạng Sơn, được triệu tập. Cấp trên của ông nhận định: “Ngày 22 tháng 2, địch sẽ đánh ở cấp sư đoàn”. Ngay trong ngày 15, ông ra lệnh cấm trại, “Cấp chiến thuật phải sẵn sàng từ bây giờ”, ông nói với cấp dưới. Tuy nhiên, ông vẫn chưa nghĩ là địch sẽ tấn công ngay. Đêm 16-2, chấp hành ý kiến của Tỉnh, ông sang trại an dưỡng bên cạnh nằm dưỡng sức một đêm bởi vì ông bị mất ngủ vì căng thẳng sau nhiều tháng trời chuẩn bị. Đêm ấy, Trung Quốc đánh.

Ở Cao Bằng, sáng 16 tháng 2, tất cả các đồn trưởng Biên phòng đều được triệu tập về thị xã Cao Bằng nhận lệnh, sáng hôm sau họ tìm về đơn vị triển khai chiến đấu khi Trung Quốc đã tấn công rồi. Sáng 17-2, Tỉnh Cao Bằng ra lệnh “sơ tán triệt để khỏi thị xã”; đại đội 22 của thị xã Cao Bằng được trang bị thêm 17 khẩu súng chống tăng B41. Ngày 18-2, một chiếc tăng Trung Quốc có “Việt gian” dẫn đường lọt tới Cao Bằng và bị tiêu diệt. Nhiều nơi, chỉ khi nhìn thấy chữ “Bát Nhất”, người dân mới nhận ra đấy là tăng Trung Quốc. Đại tá Hà Tám công nhận: “Về chiến lược ta đánh giá đúng nhưng về chiến thuật có bất ngờ”. Tuy nhiên, Đại tá Hoàng Cao Ngôn, Tỉnh đội trưởng Cao Bằng thời kỳ 17-2, nói rằng, cho dù không có bất ngờ thì tương quan lực lượng là một vấn đề rất lớn. Phần lớn quân chủ lực của Việt Nam đang ở chiến trường Campuchia. Sư đoàn 346 đóng tại Cao Bằng nhiều năm chủ yếu làm nhiệm vụ kinh tế, thời gian huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trở lại chưa nhiều. Lực lượng cầm chân Trung Quốc ở tuyến một, hướng Cao Bằng, chủ yếu là địa phương quân, chỉ có khoảng hơn 2 trung đoàn.

Trong khi, theo tài liệu từ Trung Quốc, chỉ riêng ở Cao Bằng trong ngày 17-2, Trung Quốc sử dụng tới 6 sư đoàn; ở Lạng Sơn 3 sư và Lào Cai 3 sư. Hôm sau, 18-2, Trung Quốc tăng cường cho hướng Cao Bằng 1 sư đoàn và 40 tăng; Lạng Sơn, một sư và 40 tăng; Lào Cai, 2 trung đoàn và 40 tăng. Lực lượng Trung Quốc áp sát Biên giới vào ngày 17-2 lên tới 9 quân đoàn chủ lực. Ngày 17-2, Trung quốc tiến vào Bát xát, Lao Cai; chiều 23-2, Trung Quốc chiếm Đồng Đăng; 24-2, Trung Quốc chiếm thị xã Cao Bằng; ngày 27-2, ở Lạng Sơn, Trung Quốc đánh vào thị xã.

Thế nhưng, bằng một lực lượng nhỏ hơn rất nhiều, các đơn vị Biên giới đã nhanh chóng tổ chức chiến đấu. Theo cuốn “10 Năm Chiến Tranh Trung Việt”, xuất bản lần đầu năm 1993 của NXB Đại học Tứ Xuyên, quân Trung Quốc đã gọi con đường tiến vào thị xã Cao Bằng của họ là những “khe núi đẫm máu”. Đặc biệt, tiểu đoàn Đặc công 45, được điều lên sau ngày 17-2, chỉ cần đánh trận đầu ở kilomet số 3, đường từ Cao Bằng đi về xuôi qua đèo Tài Hồ Sìn, cũng đã khiến cho quân Trung Quốc khiếp vía. Những người dân Biên giới cho đến hôm nay vẫn nhớ mãi hình ảnh “biển người” quân Trung Quốc bị những cánh quân của ta cơ động liên tục, đánh cho tan tác. Đầu tháng 3-1979, trong khi hai sư đoàn 346, Cao Bằng và 338, Lạng Sơn, thọc sâu đánh những đòn vu hồi. Từ Campuchia, sau khi đuổi Pol Pốt khỏi Phnompênh, hai quân đoàn tinh nhuệ của Việt Nam được điều ra phía Bắc. Ngay sau khi Quân đoàn II đặt những bước chân đầu tiên lên Đồng Mỏ, Lạng Sơn; Quân Đoàn III tới Na Rì; Chủ tịch Nước ra lệnh “Tổng Động viên”… ngày 5-3-1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước.

Lào Cai, Sapa, Đồng Đăng, Lạng Sơn… bị phá tan hoang. Tại Cao Bằng, quân Trung Quốc phá sạch sẽ từng ngôi nhà, từng công trình, ốp mìn cho nổ tung từng cột điện. Nếu như, ở Bát Xát, Lao Cai, hàng trăm phụ nữ trẻ em bị hãm hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến sang. Thì, tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9-3, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người, gồm 21 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. Mười người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối.

Lặng Lẽ Hoa Đào

Ngồi đợi ông Nguyễn Thanh Loan, người trông giữ nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang, chúng tôi nhìn ra xa. Tháng Hai ở đây mới là mùa hoa đào nở. Nghĩa trang có 1680 ngôi mộ. Trong đó, 1600 mộ là của các liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh từ ngày 17-2. Ở Vị Xuyên, tiếng súng chỉ thật sự yên vào đầu năm 1990. Năm 1984, khi Trung Quốc nổ súng trở lại hòng đánh chiếm hơn 20 cao điểm ở Thanh Thủy, Vị Xuyên, bộ đội đã phải đổ máu ở đây để giành giật lấy từng tấc đất. Rất nhiều chiến sỹ đã hy sinh, đặc biệt là hy sinh khi tái chiếm đỉnh cao 1509. Ông Loan nhớ lại, cứ nửa đêm về sáng, xe GAT 69 lại chở về, từng túi tử sỹ xếp chồng lên nhau. Trong số 1600 liệt sỹ ấy, chủ yếu chết trong giai đoạn 1984, 1985, có người chết 1988, còn có 200 ngôi mộ chưa xác định được là của ai. Sau khi hoàn thành việc phân giới cắm mốc, cái pháo đài trên đỉnh 1509 mà Trung Quốc dành được và xây dựng trong những năm 80, vẫn còn. Họ nói là để làm du lịch. Từ 1509, có thể nhìn thấu xuống thị xã Hà Giang. Năm 1984, từ 1509 pháo Trung Quốc đã bắn vào thị xã.

Trên đường lên Mèo Vạc, sương đặc quánh ngoài cửa xe. Từng tốp, từng tốp trai gái H’mông thong thả cất bước du xuân. Có những chàng trai đã tìm được cho mình cô gái để cầm tay. Một biên giới hữu nghị và hòa bình là vô cùng quý giá. Năm 1986, vẫn có nhiều người chết vì đạn pháo Trung Quốc nơi đoạn đường mà chúng tôi vừa đi, nơi các cô gái, hôm nay, để cho các chàng trai cầm tay kéo đi với gương mặt tràn trề hạnh phúc.

Quá khứ, rất cần khép lại để cho những hình ảnh như vậy đâm chồi. Nhưng cũng phải trân trọng những năm tháng đã thuộc về quá khứ. Tháng Hai, đứng ở bên này cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn, nhìn sang bên kia, thấy lừng lững một tượng đài đỏ rực mà theo các sỹ quan Biên phòng, Trung Quốc gọi là “ đài chiến thắng”. Trở lại Lạng Sơn, những chiếc xe tăng Trung Quốc bị quân và dân ta bắn cháy hôm 17-2 vốn vẫn nằm bên bờ sông Kỳ Cùng, giờ đã được bán sắt vụn cho các khu gang thép. Ở Cao Bằng, chúng tôi đã cố nhờ mấy người dân địa phương chở ra kilomet số 3, theo hướng đèo Tài Hồ Sìn, tìm tấm bia ghi lại trận đánh diệt 18 xe Trung Quốc của tiểu đoàn đặc công 45, nhưng không thấy. Trở lại Tổng Chúp, phải nhờ đến ông Lương Đức Tấn, Bí thư Chi bộ, nguyên huyện đội phó Hòa An, đưa ra cái giếng mà hôm 9-3-1979, quân Trung Quốc giết 43 thường dân Việt Nam. Ông Tấn cũng chính là một trong những người đầu tiên trở về làng, trực tiếp đỡ từng xác phụ nữ, trẻ em, bị chặt bằng búa, bằng dao rồi quăng xuống giếng. Cái giếng ấy bây giờ nằm sâu trong vườn riêng của một gia đình, không có đường đi vào. Hôm ấy, anh Tấn phải kêu mấy thanh niên đi theo chặt bớt cành tre cho chúng tôi chụp hình bia ghi lại sự kiện mà giờ đây đã chìm trong gai tre và lau lách.

Huy Đức - Blogger Osin
(Bài đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị ra ngày 9-2-09)

> Chi tiết về cuộc chiến tại Wikipedia

Vài hình ảnh tham khảo về Chiến tranh biên giới Việt Trung 1979:

Photobucket
Các chiến sĩ của ta trên đường hành quân

Photobucket
Nữ chiến sĩ hậu cần

Photobucket
Xe tăng của TQ bị bắn cháy sau trận chiến

Photobucket
Xóm làng hoang tàn bởi bị quân TQ phá hoại

Photobucket
Hình ảnh 2 em nhỏ bơ vơ

Photobucket
Tù binh TQ sắp trao trả

...


Bác mình là một trong những chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc trong cuộc chiến này. Bác mất khi tuổi còn rất trẻ (tầm tuổi mình bây giờ) tại Bát Xát - Lao Cai (hơn 20 năm sống ở Lao Cai, mình vẫn chưa 1 lần đặt chân đến nơi này mặc dù "nghe nói" nó chỉ cách thành phố có vài cây số :|). Thỉnh thoảng về quê Yên Bái vẫn ra thăm mộ bác ở nghĩa trang vì Tổ quốc, vẫn nhớ cái ảnh vẽ chân dung bác...
Bài hay
NAD
17/02/2009
18

Comments

  1. Hồi ký đầy đủ của ông Dương Danh Dy, đã đăng trên BBC: (có một số đoạn sau đó đã bị lược bỏ)

    Tháng 9 năm 1977, tôi được lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam cử sang làm Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, chuyên làm công tác nghiên cứu. Quan hệ hai nước Việt Trung, từ lúc tôi ở trong nước đã xấu, lúc này càng xấu đi từng ngày:

    Dòng “nạn kiều” dưới sự xúi bẩy kích động của nhà đương cục Trung Quốc vẫn lũ lượt kéo nhau rời khỏi Việt Nam, một phần về Trung Quốc một phần đi sang các nước khác. Lấy lý do cần có tiền để “nuôi nạn kiều” ngày 13/5/1978 lần đầu tiên nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố cắt một phần viện trợ không hoàn lại đã ký cho Việt Nam và rút một bộ phận chuyên gia về nước. Không lâu sau đó, ngày 3/7/1978 chính phủ Trung Quốc tuyên bố cắt hết viện trợ và rút hết chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam về nước. (Cầu Thăng Long và nhiều công trình khác bị dở dang - sự kiện này không khác chuyện đã xảy ra giữa Liên Xô với Trung Quốc trước đó và không ngoài dự liệu của ta). Cùng với việc này là sự kiện: một số rất ít trong những công dân Trung Quốc năm 1966 gửi tiền giúp cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta nay gửi thư tới đòi với những lời lẽ khiếm nhã (kèm theo cả giấy chứng nhận của đại sứ quán ta ghi số tiền đã ủng hộ). Có lẽ tôi là một trong số mấy đồng chí công tác tại đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh được chứng kiến cả hai cảnh tượng: vui mừng cảm động vì nhân dân Trung Quốc anh em hết lòng giúp đỡ ủng hộ sự nghiệp chống Mỹ của dân tộc ta năm đó, và đau buồn vì lúc này có một bộ phận dù là rất nhỏ người Trung Quốc do bị nhà đương quyền tuyên truyền lừa bịp mà đã có hành động, lời nói không hay.

    Xung đột biên giới trên đất liền, nhất là tại điểm nối ray trên đường sắt liên vận Hà Nội - Bằng Tường ngày càng tăng (có lúc có nơi đã xảy ra đổ máu) toàn bộ vụ, việc đều do phía Trung Quốc cố tình gây ra.

    Tháng 7 năm 1978 chúng tôi được phổ biến Nghị Quyết TW 4, tinh thần là phải thấu suốt quan điểm nắm vững cả hai nhiệm vụ vừa xây dựng kinh tế vừa tăng cường lực lượng quốc phòng, chuấn bị tốt và sẵn sàng chiến đấu.

    Tháng 11 năm 1978 ta ký “hiệp ước hữu nghị và hợp tác” với Liên Xô.

    Đến tháng 12 năm 1978 mọi chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong đại sứ quán đã làm xong. Sứ quán nhận được máy phát điện chạy xăng (và đã cho chạy thử), gạo nước, thực phẩm khô đã được tích trữ đầy đủ, đại sứ quán mấy nước anh em thân thiết cũng nhận được các đề nghị cụ thể khi bất trắc xẩy ra… Tôi được đồng chí đại sứ phân công đọc và lựa chọn các tài liệu lưu trữ quan trọng, cái phải gửi về nhà cái có thể hủy (nhờ đó biết thêm được nhiều điều trước đây trong quan hệ ngoại giao, kinh tế… giữa hai nước...)

    Tháng 12 năm 1978 trong chuyến thăm mấy nước Đông Nam Á, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Đặng Tiểu Bình vừa hùng hổ vừa tức tối nói một câu không xứng đáng với tư cách của một người lãnh đạo một nước được coi là văn minh: “Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học” (tôi không bao giờ có thể quên vẻ mặt lỗ mãng và lời nói “bạo đồ” đầy giọng tức tối của ông ta qua truyền hình trực tiếp và tiếng người phiên dịch sang tiếng Anh là “hooligan”- tức du côn, côn đồ).

    Rồi ngày 22 tháng 12 năm 1978, Trung Quốc đơn phương ngừng vận chuyển hành khách xe lửa liên vận tới Việt Nam, rất nhiều cán bộ, sinh viên Việt Nam từ Liên Xô Đông Âu trở về bị đọng lại trong nhà khách sứ quán chờ đường hàng không và cuối cùng đến đầu tháng 1 năm 1979 đường bay Bắc Kinh Hà Nội cũng bị cắt.

    Đầu tháng 1 năm 1979 quân đội ta bất ngờ phản công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng chỉ trong thời gian ngắn đã đập tan sức chống cự của bè lũ Polpot tiến vào giải phóng Phnom Penh. Đây cũng là điều mà Đặng Tiểu Bình không ngờ. Lại một quả đắng khó nuốt nữa đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc này (có dịp xin nói về cảnh cán bộ sứ quán và chuyên gia Trung Quốc tại Cămpuchia lúc đó đã rút chạy như thế nào, và một vị tướng của ta đã cố tình tiến chậm vào Phnom Penh để cho họ có thể đi thoát).

    Cuối tháng 1 năm 1979 Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ, được Tổng thống Carter đón tiếp với nghi lễ rất cao, hai nước quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao, và không biết còn bàn bạc gì nữa? Trên đường về nước Đặng Tiểu Bình ghé qua Nhật Bản.

    Trước những tình hình trên, một số anh em nghiên cứu chúng tôi đã khẳng định khá sớm: hai nước anh em thân thiết như răng với môi này không đánh nhau một trận không xong. Lý trí mách bảo như vậy, thậm chí còn mách bảo hơn nữa: Trung quốc đã từng gây cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ và nhất là với Liên Xô và cả hai lần họ đều bất ngờ ra tay trước. Thế nhưng về mặt tình cảm (bây giờ nhìn lại thì còn có cả sự ngây thơ, cả tin nữa) vẫn hy vọng dù chỉ là chút ít thôi: quan hệ Việt Trung đã từng gắn bó, sâu nặng như vậy, họ không thể một sớm một chiều trở mặt được!). Không nói tới những khoản viện trợ to lớn có hiệu quả, những tình cảm thân thiết như anh em trước đây, mà ngay trong những giờ phút căng thẳng này, tôi vẫn không thể quên được những việc làm tốt hay tỏ ra biết điều của một số cán bộ Trung Quốc:

    Năm 1977, Nhà máy dệt Vĩnh Phúc do Trung Quốc viện trợ cho ta, sau một hồi chạy thử vẫn không hiện đúng màu nhuộm cần thiết, một kỹ sư Trung Quốc đã bí mật cung cấp cho ta bí quyết. Khi các chuyên gia Trung Quốc khác thấy kết quả đó, không biết do ai chỉ đạo, họ đã “xử trí” anh một cách tàn bạo, anh bị đánh tới chết. Khi được thông báo tin tức này, chúng tôi vô cùng cảm phục tinh thần quốc tế và lương tâm kỹ thuật chân chính của anh.

    Khi đoàn chuyên gia Trung Quốc thi công cầu Thăng Long bị cấp trên của họ điều về nước, một số đồng chí đã để lại khá nhiều bản vẽ, tài liệu kỹ thuật về chiếc cầu này cho ta. Tôi biết chiếc cầu Chương Dương do ta tự thiết kế thi công sau này đã dùng một số sắt thép do phía Trung Quốc đưa sang để dựng cầu Thăng Long, nhưng chưa rõ các nhà thiết kế cầu Chương Dương có được hưởng lợi gì từ những tài liệu mà mấy chuyên gia Trung Quốc do không đồng tình với cách làm sai trái của người lãnh đạo đã dũng cảm để lại cho chúng ta hay không?

    Mặc dù khi truyền hình trực tiếp , Trung Quốc không thể cắt được câu nói lỗ mãng của Đặng Tiểu Bình: Việt Nam là côn đồ, nhưng báo chí chính thức ngày hôm sau của Trung Quốc đã cắt bỏ câu này khi đưa tin (chỉ còn đăng câu “phải dạy cho Việt Nam bài học” , nghĩa là đỡ tệ hơn, và như vậy có phải vẫn có người Trung Quốc còn chút lương tri?)

    v.v…

    Trong bối cảnh trên, cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu ngày 17/2/1979 do nhà cầm quyền Trung Quốc - mà người chủ xướng là Đặng Tiểu Bình, phát động, về tổng thể không bất ngờ đối với chúng tôi, nhưng về thời gian cụ thể và nhất là về qui mô binh lực mà Trung Quốc sử dụng thì quả là không tính tới. Sau này những day dứt về dự báo không chính xác trên đã có phần giảm bớt, khi được biết có một số cán bộ trung cấp và một số đơn vị quân đội Trung Quốc chỉ sau khi đã tiến vào lãnh thổ nước ta rồi họ mới biết là phải đi đánh Việt Nam cũng như một số tin tức liên quan khác, chưa tiện nói bây giờ!

    10 giờ tối ngày 17/2/79 (tức 9 giờ tối Việt Nam) tôi bật đài nghe tin của đài tiếng nói Việt Nam, không thấy có tin quan trọng nào liên quan đến hai nước, tôi chuyển đài khác nghe tin. Khoảng 10 giờ 30 phút đồng chí Trần Trung, tham tán đại biện lâm thời (thời gian này đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh về Việt Nam họp) đến đập mạnh vào cửa phòng tôi: Dy, lên phòng hạnh phúc họp ngay, Trung Quốc đánh ta rồi!

    Ít phút sau, một số đồng chí có trách nhiệm đã có mặt đông đủ. Đồng chí Trần Trung phổ biến tình hình nhà vừa thông báo: sáng sớm ngày 17/2, bọn bành trướng Trung Quốc đã tấn công trên toàn tuyến biên giới trên đất liền (6 tỉnh của Việt Nam lúc đó) với qui mô 20 sư đoàn bộ binh. Hai sư đoàn chủ lực của ta cùng với bộ đội địa phương và anh chị em dân quân du kích đang anh dũng chống trả. Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là dịch ngay bản Tuyên Bố của chính phủ ta ra 3 tiếng Trung, Anh, Pháp để phục vụ cho cuộc họp báo quốc tế sẽ phải tổ chức và để thông báo càng rộng càng tốt cho một số nhân dân Trung Quốc biết rõ sự thực.

    Bộ phận dịch tiếng Trung, dưới sự chỉ huy của anh Thái Hoàng - Bí thư thứ nhất, gồm hai đồng chí Hoàng Như Lý, bí thư thứ ba và Chu Công Phùng cán bộ phòng chính trị, đã dịch văn bản một cách “ngon lành”; đồng chí Lê Công Phụng, bí thư thứ ba phụ trách phần dịch tiếng Anh cũng không vất vả gì; riêng phần tiếng Pháp, đồng chí Minh, phiên dịch tiếng Pháp do mới ra trường không lâu, nên có đôi lúc tỏ ra luống cuống, tôi chủ động tới tra giúp một số từ mà đ/c quên mất giống (trong tiếng Pháp, các mạo từ, tính từ .. tùy theo danh từ là giống đực hay giống cái .. mà cách viết có khác).

    Guồng máy dịch, in roneo, soát, sửa lại bản in nhanh chóng chạy đều, mọi người làm việc không biết mệt với lòng căm giận bọn bành trướng. Thi thoảng mấy câu chửi bọn chúng như kìm nén không nổi lại khe khẽ bật ra từ vài đồng chí. Không căm tức uất hận sao được? Dù đã dự liệu nghiêm túc nhưng vẫn bất ngờ về thời gian (cùng một thời gian trên tuyến biên giới dài hơn 1000 km, lại chọn đúng ngày nghỉ) và qui mô (một lực lượng đông tới mấy chục vạn quân chính qui với nhiều xe tăng, đại bác và mấy chục vạn dân công phục vụ mà lại gọi là “đánh trả tự vệ”)

    Khi chúng tôi hoàn thành công việc thì trời đã hửng sáng (đài BBC sau đó đã đưa tin, tối ngày 17/2/1979 toàn Đại sứ quán Việt Nam để sáng đèn). Những người ngoài 40, 50 chúng tôi sau một đêm vất vả không ngủ vẫn tỏ ra bình thường nhưng riêng hai đồng chí Phùng và Minh đang tuổi ăn tuổi ngủ, tuy được đồng chí Đặng Hữu - Bí thư thứ nhất, tiếp sâm, nhưng vẻ mặt sau một đêm căng thẳng đã lộ nét mệt mỏi. Thương cảm vô cùng.

    Tuy vậy, chúng tôi đã nhanh chóng bước vào ngày làm việc mới với tất cả sức mạnh tinh thần và lòng căm thù bọn bành trướng bá quyền, nước lớn.

    Cuộc chiến tranh do nhà cầm quyền Bắc Kinh mà người chủ xướng là Đặng Tiểu Bình gây ra, kết thúc đã 30 năm.

    Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, vì nghĩa lớn, chúng ta đã thực hiện đúng lời cam kết: không nhắc lại chuyện cũ. Nhưng ở phía bên kia, một số kẻ không biết điều, vẫn thường xuyên, xuyên tạc sự thật lịch sử, rêu rao, tự cho là đã “giành thắng lợi”, là “chính nghĩa”, là “Việt Nam bài Hoa, Việt Nam chống Hoa, Việt Nam “xua đuổi nạn kiều”, Việt Nam xâm lược Campuchia” v.v.. Cho đến hôm nay, một số cuốn sách lịch sử, sách nghiên cứu, không ít bài thơ, truyện, ký…vẫn nhai lại những luận điệu trên dù hai nước đã bình thường hóa quan hệ được gần hai chục năm.

    Tôi nghỉ hưu đã được hơn mười năm nhưng do vẫn tiếp tục nghiên cứu về Trung Quốc, nên thỉnh thoảng vẫn có dịp gặp các bạn cũ công tác tại Bộ Ngoại Giao Trung Quốc trước đây cũng như nhiều học giả Trung Quốc. Không dưới một lần tôi đã thân tình và nghiêm túc nhắc họ: nếu các bạn chỉ nhận phần đúng trong những việc xảy ra trong thời gian trước đây, đổ hết lỗi cho cho người khác thì quan hệ Việt Trung dù ai đó có dùng những chữ vàng để tô vẽ cũng không thể nào xóa bỏ được những vết hằn lịch sử do người lãnh đạo của các bạn gây ra, quan hệ hai nước không thể nào phát triển tốt đẹp được, vì những hoài nghi lớn của nhân dân hai bên chưa được giải tỏa?

    Mong rằng một số nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay nên nhớ chuyện sau: nếu không biết lời dặn của Chủ tịch Mao với đoàn cố vấn Trung Quốc khi sang giúp Việt nam thời kỳ chống Pháp: ‘tổ tiên chúng ta trước đây đã làm một số việc không phải với nhân dân Việt Nam, các anh sang giúp nước bạn lần này là để trả nợ cho cha ông’ và nếu không thấy trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên sau khi hòa bình lập lại, Thủ Tướng Chu đã tới dâng hương tại đền thờ Hai Bà thì chắc chắn những người Việt Nam thời đó không dễ quên được chuyện cũ để nhanh chóng, hòa hiếu với Trung Quốc như sau đó đâu?

    Vết thương chung phải do cả hai bên cùng đồng tâm, thành ý chữa trị thì mới có thể lành hẳn.

    Chúng ta không nói lại chuyện cũ là vì nghĩa lớn, chứ không phải vì chúng ta không có lý, không phải vì người Việt Nam sợ hãi hay chóng quên.

    ReplyDelete
  2. F**k TQ, Forza VN!!!!!!

    ReplyDelete
  3. đkm bọn khựa tàu đéi b-(

    ReplyDelete
  4. Tình hình là bọn Tàu dù lôi kéo thế nào mình cũng ko thèm sang thăm nó, đm bọn Tàu

    ReplyDelete
  5. Chiến tranh Tây Nam và phía Bắc chỉ là 2 mặt của một vấn đề. Cả triệu người dân Camphuchia chết do chế độ diệt chủng Pôn Pốt (ai đứng phía sau), Hàng vạn người dân và chiến sĩ ta chết trên lảnh thổ mình. Ai là thủ phạm? chỉ có những kẻ theo đóm ăn tàn mới cố tình không nhớ! Mời các bạn xem bài của Hien H "Đặng Tiểu Bình và truyền thông Việt Nam" http://blog.360.yahoo.com/blog-rm4gDVc5erDUKj0pbtJrVQ--?cq=1&p=871&n=28500
    Và bài của tôi với tư cách người lính "Lãng quên quá khứ và những người bảo vệ Tổ quốc là Chính phủ ươn hèn" - SAU MÁU KHÔNG CÓ HOA HỒNG:
    http://tranhung09.blogspot.com/2009/02/quen-nhung-nguoi-lay-tinh-mang-cua-minh.html

    ReplyDelete
  6. Thanks anh, một số thông tin và ý kiến trong 2 link trên hay.

    ReplyDelete
  7. Anh tranhung viết rất đúng :D Sách lịch sử chưa bao h đề cập đến chiến tranh việt trung 72 cả :D

    ReplyDelete
  8. Chiến tranh Việt Trung 1972 á ku Sơn :-"

    ReplyDelete
  9. Lúc chiến tranh xảy ra thế hệ 8x như tớ và NAD chưa có trên đời, nhưng quả thật rất căm phẫn khi xem lại các hình ảnh tụi Khựa nó giết người mình (search Google đầy nhóc)

    Nhưng đó là chuyện 30 năm về trước, chứ giờ mà nó giở trò đánh VN mình chắc VN chịu ko nổi bao lâu.

    Tớ có điều kiện đi gần như hết TQ, từ Bắc Kinh, Thượng Hải cho tới Nam Ninh, Quảng Đông, Hải Nam...thấy TQ nó đi trước mình ít nhất 15 năm, phát triển quá nhanh, cơ sở hạ tầng, trang bị quân sự quá hiện đại, thấy mà khiếp hồn

    ReplyDelete
  10. Cũng chưa chắc đâu anh Nhím à, tương quan lực lượng trước nay TQ luôn hơn VN rất nhiều. Nhưng cũng như tất cả các cuộc chiến tranh trước đây, VN đâu dễ xơi, dù đó có là Mẽo hay Pháp. Theo em được biết thì VN là nước có tiền lực quân sự cũng như vị trí chiến lược mạnh, quan trọng nhất khu vực ĐNA?

    Mà đâu phải cứ muốn đánh là đánh. Nhưng chẳng hiểu sao nhiều người TQ tốt là thế mà 1 số thằng cầm quyền của chúng nó khốn nạn thế. Hầu như tất cả chính quyền các nước lớn đều có một số thằng như thế.

    ReplyDelete
  11. Ặc, em nhầm :p Mà đấy là do lỗi của Bộ Giáo Dục ko đưa vụ này vào SGK cẩn thận nên em mới nhầm :-w chứ đêk phải tại em đâu, nhá :-w

    ReplyDelete
  12. Cần j SGK hay Bộ GD, cứ vào đây anh dậy cho là bít hết :-"

    ReplyDelete
  13. Bài dưới đây mang tính chất tin mật, chỉ tham khảo và không phổ biến:

    Bắc Kinh từ chối đề cập đến cuộc tấn công Việt Nam cách nay 30 năm

    Phát biểu với báo chí vào hôm 17.2.2009, đúng ba mươi năm sau ngày Bắc Kinh xua quân tấn công Việt Nam vào năm 1979, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du, đã cho rằng Bắc Kinh chủ trương quên đi quá khứ để chú tâm đến tương lai.

    Trả lời câu hỏi của báo giới về sự kiện lịch sử này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nói « Lịch sử Trung Quốc và Việt Nam đã trải qua một số thời kỳ không hay, nhưng điều quan trọng là giới lãnh đạo và nhân dân hai nước đều đồng lòng để tương lai quan hệ được thân thiện. »

    Bà Khương Du còn từ chối không trả lời về quan điểm chính thức của Bắc Kinh về cuộc chiến tranh đã trở thành một điều cấm kỵ không được nói đến tại Trung Quốc.

    Xung đột quân sự Việt – Trung năm 1979 chỉ kéo dài hơn ba tuần, nhưng các trận giao chiến ác liệt giữa hai bên trong khu vực biên giới vẫn thỉnh thoảng nổ ra trong suốt những năm 80 của thế kỷ trước. Thế nhưng, các trường đại học của Trung Quốc không được phép giảng dậy hay nghiên cứu về giai đoạn lịch sử này, nhằm tránh làm tổn hại quan hệ với Việt Nam, hiện là một đối tác của Bắc Kinh.

    Theo một giáo sư Trung Quốc đang giảng dậy tại Hoa Kỳ, được AFP trích dẫn thì đó là một cuộc chiến tranh của Đặng Tiểu Bình và chính quyền Bắc Kinh cố tình không nhắc đến sự kiện này để không làm hoen ố hình ảnh người khởi xướng công cuộc cải cách kinh tế.

    Ông Bùi Xuân Quang, giáo sư quan hệ quốc tế thuộc đại học Paris 10 nhận định là bên nào cũng khẳng định là mình đã giành được thắng lợi, thế nhưng trong tâm trí mọi người vẫn lưu lại hình ảnh quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã phải thoái lui trước một nước Việt Nam nhỏ bé.

    Vào thời điểm 1979, Trung Quốc đánh Việt Nam còn để trả đũa sự kiện quân đội Việt Nam đã tấn công sang Campuchia, lật đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ, đồng minh thân thiết của Bắc Kinh.

    Theo một số nhà phân tích, Đặng Tiểu Bình muốn dùng cuộc chiến tranh đánh Việt Nam để thuyết phục Hoa Kỳ rằng Trung Quốc là một đồng minh đáng tin cậy, ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô.

    Giới cựu chiến binh Trung Quốc tỏ ra thất vọng về việc chính quyền Bắc Kinh cố tình không nhắc tới cuộc chiến 1979, bởi vì trong sách giáo khoa lịch sử được giảng dậy tại Trung Quốc, không hề có một dòng nào nói về sự kiện này.

    30 năm sau cuộc chiến, chưa có một số liệu chính thức nào được công bố về con số tử vong của hai bên. Theo ông Peter Worthing, tác giả cuốc « Lịch sử quân sự Trung Quốc đương đại », thì trong tháng đầu tiên của cuộc xung đột, đã có từ 25 đến 63 ngàn lính Trung Quốc thiệt mạng và từ 20 đến 62 nghìn bộ đội Việt Nam tử trận.

    Lẽ dĩ nhiên là chính quyền Bắc Kinh hoàn toàn không tổ chức một buổi lễ nào để đánh dấu 30 năm cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam.

    Tình hình cũng tương tự tại Việt Nam. Một tờ báo ở Sài Gòn mới đây đã đăng một bài nhắc đến cuộc chiến này trên trang Web của mình, nhưng chỉ ít lâu sau, bài viết đã bị rút xuống.

    Phóng viên hãng tin Anh Reuters, nhân chuyến đi lên Lạng Sơn đã ghé thăm nghĩa trang Liệt Sĩ, nơi chôn cất hàng trăm bộ đội Việt Nam đã tử trận trong các cuộc chiến tranh. Bên cạnh một số mộ bia ghi rõ chết trong cuộc chiến chống Mỹ, hay chống Pháp, nhà báo hãng Reuters còn ghi nhận rất nhiều tấm bia chỉ ghi « Bảo Vệ Tổ Quốc ». Theo nhà báo, điều náy ám chỉ những người hy sinh trong cuộc chiến tranh Trung-Việt nổ ra cách nay đúng 30 năm.

    (Theo Đức Tâm, Trọng Nghĩa - RFI)


    Ván bài bốn bên
    (Bài của tác giả Lê Mạnh Hùng trên BBC)

    Tháng tư năm 1975, phó thủ tướng Trung Quốc Lý Tiên Niệm tổ chức một buổi tiếp tân tại Bắc Kinh để chào mừng chiến thắng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam.

    Lờ phái đoàn Hà Nội như không hiện diện, Lý tuyên bố Trung Quốc đã dành sẵn một chiếc tầu chở đầy thuốc men, thực phẩm và các đồ nhu yếu khác sẵn sàng cập bến Đà Nẵng hoặc Sài Gòn ngay sau khi giải phóng.

    Trương Như Tảng, người cầm đầu phái đoàn chính phủ Cộng Hòa miền Nam thuật lại:

    - Hàm ý của tuyên bố trên tất cả những ai có mặt đều hiểu rõ. Trong suốt thời gian chúng tôi ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã đối xử với chúng tôi một cách thân thiện hơn nhiều so với phái đoàn của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Rõ ràng họ đã dùng cơ hội này để tỏ thái độ của họ với việc Hà Nội ngả hẳn theo Liên Xô và báo hiệu cho Chính phủ Lâm Thời Cộng Hòa miền Nam Việt nam rằng họ sẵn sàng ủng hộ một chính sách độc lập với miền Bắc.

    Chuyến thăm Bắc Kinh:

    Nhưng nếu Bắc Kinh đặt hy vọng rằng phe cộng sản miền Nam có thể có một độc lập nào đó với Hà Nội, họ đã thất vọng lớn. Trong một tiến trình vội vã, ngay từ tháng sáu 1975, Hà Nội đã thanh trừng các phần tử miền Nam nào có ý muốn độc lập với miền Bắc. Toàn bộ chính quyền miền Nam nằm trong tay những người từ miền Bắc gởi vào.

    Mặc dầu vậy, ngày 22 tháng 9 năm 1975, TBT Lê Duẩn và Lê Thanh Nghị vẫn cầm đầu một phái đoàn sang Bắc Kinh cầu viện.

    Đây là lần đầu tiên ông Lê Duẩn sang Bắc Kinh với tư cách lãnh tụ của một nước Việt Nam thống nhất.

    Cuộc gặp gỡ này là một thất vọng cho cả hai bên. Đối tác chính của ông Lê Duẩn là ông Đặng Tiểu Bình, mới được phục hồi sau 4 năm bị quản thúc tại gia.

    Trong bài diễn văn đón mừng Lê Duẩn, Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh đến nguy cơ của chủ nghĩa bá quyền và kêu gọi Lê Duẩn hãy đi cùng với Trung Quốc chống lại Liên Xô.

    Trả lời lại Đặng Tiểu Bình, Lê Duẩn tuyên bố nếu không có sự giúp đỡ của toàn khối xã hội chủ nghĩa anh em thì chiến thắng tại Việt Nam là một chuyện không thể có được. Nói một cách khác, Lê Duẩn từ chối không chịu đi với Trung Quốc chống lại Liên Xô.

    Mặc dầu vậy, Lê Duẩn vẫn năn nỉ xin Bắc Kinh viện trợ như trước năm 1973. Cố nhiên là điều này bị Trung Quốc từ chối.

    Năm 1973, khi Chu Ân Lai yêu cầu Lê Duẩn ngưng cuộc chiến tại miền Nam trong mấy năm tới, Chu Ân Lai đã hứa sẽ viện trợ cho Hà Nội ở mức độ năm 1973 trong vòng năm năm, nhưng lần này khi Lê Duẩn nhắc lại lời hứa đó, phía Trung Quốc đã từ chối thẳng thừng.

    Trong cuộc gặp gỡ với Lê Duẩn vào ngày 24 tháng 9, Mao Trạch Đông nói thẳng với Lê Duẩn:
    - Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã để lại cho các bạn những khối lượng lớn vũ khí, kho tàng, máy bay, tầu chiến. Hiện nay các bạn không phải là đất nước nghèo nhất. Chúng tôi mới là đất nước nghèo nhất. Chúng tôi có 800 triệu người phải nuôi.

    Chu Ân Lai lúc này đã bị bệnh nặng, mọi việc điều hành hàng ngày đều nằm trong tay Đặng Tiểu Bình. Khác với Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình không có những quan hệ cá nhân chặt chẽ với Việt Nam như quan hệ của Chu Ân Lai với Hồ Chí Minh, chính vì vậy mà Đặng Tiểu Bình có một thái độ cứng rắn hơn là các lãnh tụ Trung Quốc khác đối với Việt Nam.

    Chủ quyền hai đảo:

    Trong cuộc gặp gỡ ngày 24 tháng 9, Đặng Tiểu Bình và Lê Duẩn đã đụng mạnh trong vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa.

    Năm 1958 khi Trung Quốc tuyên bố lãnh thổ của họ bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Hà Nội đã không phản đối. Ngược lại Phạm văn Đồng trong một giác thư gởi cho Chu Ân Lai đã viết là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa "công nhận và ủng hộ" tuyên bố của Trung quốc về lãnh thổ và lãnh hải và "tôn trọng" quyết định này.

    Năm 1974, khi Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ trong tay chính phủ miền Nam Việt Nam, Hà Nội đã yên lặng không phản ứng. Nhưng sau khi tiến chiếm xong miền Nam, Hà Nội đã công khai tuyên bố đòi chủ quyền trên hai quần đảo này.

    Khi gặp gỡ Lê Duẩn vào ngày 29 tháng 9, Đặng Tiểu Bình đã giận dữ trách Lê Duẩn về những luận điệu tuyên truyền chống Trung Quốc của báo chí Hà Nội:

    - Chúng tôi không thoải mái chút nào khi đọc báo chí Việt Nam. Các bạn cứ nhấn mạnh đến nguy cơ từ phương Bắc. Nguy cơ phương Bắc của chúng tôi là sự hiện diện của quân đội Xô Viết ở biên giới phía Bắc chúng tôi nhưng đối với các bạn điều này có nghĩa là Trung Quốc.

    Rõ ràng ngay từ lúc đó Đặng Tiểu Bình đã có một mối căm hận lớn đối với cái mà Đặng Tiểu Bình gọi là "sự vô ân bạc nghĩa" của chính quyền Hà Nội.

    Lê Duẩn kết thúc chuyến đi thăm Bắc Kinh mà không có một thông cáo chung nào được đưa ra. Lê Duẩn còn hủy cả một bữa tiệc trả lễ các lãnh tụ Trung Quốc trước khi ra về, một hành động được coi là đặc biệt bất thường trong các quan hệ ngoại giao quốc tế. Hà Nội và Bắc Kinh đã chính thức cho thấy sự chia rẽ của họ.

    Quan hệ 'đặc biệt' ở Đông Dương:

    Tháng 11 năm 1975, Hà Nội tổ chức Hội nghị Hiệp Thương toàn quốc để thống nhất hai miền Nam Bắc đồng thời tìm cách kéo Lào và Campuchia vào trong một quan hệ đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Việt Nam.

    Tháng 2 năm 1976, Kaysone Phomvihane tổng bí thư đảng Cộng Sản Lào sang thăm Hà Nội. Một bản thông cáo chung ký giữa Kaysone và Lê Duẩn vào ngày 12 tháng 2 tuyên bố hai nước Lào Việt có một quan hệ đặc biệt về hợp tác và hứa sẽ có những hành động chung chống lại "bọn đế quốc và phản động tay sai".

    Bản thông cáo chung cũng hứa sẽ tăng cường "tình hữu nghị giữa Lào, Campuchia và Việt Nam".

    Đối với Pol Pot, bản thông cáo này là một cảnh cáo rằng Hà Nội sẽ không để cho Campuchia đồng minh với Trung Cộng chống lại Việt Nam.

    Với cái chết của Chu Ân Lai vào đầu năm 1976 và cái chết của Mao vào cuối năm đó, Trung Quốc rơi vào trong cảnh tranh quyền hỗn loạn.

    Mặc dầu tháng 10 năm 1976 nhóm "bốn người" bị Hoa Quốc Phong thanh trừng nhưng một cuộc tranh chấp mới lại diễn ra giữa Hoa Quốc Phong, người được Mao chọn làm thừa kế, và Đặng Tiểu Bình.

    Trong thời gian đó quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam nằm trong một tình thế nửa vời. Hai bên vẫn giữ quan hệ ngoại giao và Trung Quốc còn tiếp tục viện trợ cho Hà Nội nhưng ở một mức độ thấp hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên các cuộc đụng độ tại biên giới vẫn nổ ra ngày một nhiều hơn.

    Thăm dò Mỹ:

    Kẹt ở giữa cuộc tranh chấp của hai nước đàn anh, và nhận thức khả năng viện trợ thấp kém của cả Liên Xô lẫn Trung Quốc, Hà Nội tìm cách bắt lại liên lạc với các nước phương Tây nhất là Mỹ.

    Chiến thắng của Jimmy Carter trong cuộc bầu cử 1976 mở cho Hà Nội hy vọng là có thể kiếm được viện trợ của Mỹ mà Nixon đã hứa trong hiệp định Paris.

    Những cuộc tiếp xúc đầu tiên được mở ra tại Paris vào đầu năm 1977 giữa Richard Holbrooke và Phan Hiền nhằm bình thường hóa quan hệ ngoại giao nhưng không đi đến đâu vì, say men chiến thắng, Hà Nội nhất định đòi Mỹ phải bồi thường chiến tranh trước khi nói đến chuyện bình thường hóa.

    Trong khi đó quan hệ giữa Hà Nội và Phnom Penh môt ngày một xấu đi. Việc "cáp duồn" những người Việt còn ở lại Campuchia và việc thanh trừng những phần tử cuối cùng thân Việt Nam bên trong đảng Cộng Sản Campuchia vào tháng 4 năm 1977 đã dẫn đến những cuộc tấn công bằng các đại đơn vị của Khmer Đỏ vào vùng biên giới.

    Trong khi đó một đợt lạnh giá bất thường đã làm tiêu hủy một phần lớn mùa màng tại miền Bắc dẫn đến việc Hà Nội phải kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các nước thân hữu trợ giúp cứu đói. Nhưng những lời kêu gọi của Hà Nội không gây được phản ứng bao nhiêu.

    Việc vội vã sáp nhập miền Nam vào với miền Bắc và chính sách đưa các người có liên hệ với chính quyền miền Nam đi "học tập cải tạo" đã làm các chính phủ phương Tây dội và tách rời với Hà Nội.

    Đi theo Liên Xô:

    Cuối tháng sáu 1977, hội nghị trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam quyết định chuyển hướng. Đối nội, một kế hoạch tập thể hóa công nông nghiệp tại miền Nam được đưa ra. Đối ngoại, Hà Nội quyết định đi sát theo Liên Xô và sửa soạn tiến đánh Campuchia.

    Tháng 10 năm 1977 Lê Duẩn bay sang Liên Xô. Tại Moscow, Lê Duẩn đạt được một thỏa hiệp mới với Brezhnev trong đó Liên Xô nhận cung cấp cho Hà Nội hai tầu ngầm, một khu trục hạm, một số tầu tuần tiễu và bốn phi đội Mig 21.

    Đổi lại, Hà Nội bắt đầu chuyển các vũ khí của Mỹ để lại tại miền Nam cho Ethiopia, một đàn em mới của Liên Xô.

    Mười ngày sau khi ở Liên Xô về, Lê Duẩn bay sang Bắc Kinh để tìm cách thuyết phục Trung Quốc ngừng ủng hộ cho Khmer Đỏ.

    Cuộc gặp gỡ trở thành một cuộc cãi nhau tay đôi bằng những lời bóng gió. Tuyên bố trong bữa tiệc khoản đãi Lê Duẩn, Hoa Quốc Phong nói:

    - Trung Quốc kiên quyết đồng minh với mọi nước có nguy cơ bị xâm lược hoặc can thiệp lật đổ bởi những thế lực đế quốc hoặc đế quốc núp dưới chiêu bài xã hội chủ nghĩa, và sẽ thành lập một mặt trận thống nhất rộng rãi nhất chống lại chủ nghĩa bá quyền.

    Lê Duẩn cũng trả lời lại Hoa Quốc Phong bằng tuyên bố:

    - Việt Nam nhất định không cho phép một lực lượng đế quốc hoặc thế lực phản động nào xâm phạm vào nền độc lập tự do của đất nước.

    Cái vỏ ngoài lịch sự trong bang giao giữa hai nước càng ngày càng tiêu tan. Chuyến đi của Lê Duẩn sang Bắc Kinh có hậu quả là khiến cho Trung Quốc quyết định ngả hẳn về phía Pol Pot mà trước đó sau khi phe cực tả "bốn người" bị lật đổ Trung Quốc đã từ từ tách ra.

    Đụng độ:

    Quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh trở nên căng thẳng hơn vào năm 1978. Ngày 20 tháng 3, Hà Nội bắt đầu chiến dịch đàn áp người Hoa tại Việt Nam. Mượn cớ đánh tư sản mại bản, hàng ngàn công an vũ trang và bộ đội bao vây khu vực của người Hoa tại Chợ Lớn và lục soát từng nhà một để kiếm vàng và kiểm kê tài sản.

    Chính cái đòn mở đầu chống lại tư bản miền Nam cũng là phát súng mở đầu cho cuộc đụng độ công khai với Trung Quốc.

    Trong những ngày sau, hàng ngàn người Hoa bắt đầu bị áp lực phải rời khỏi Việt nam. Bắt đầu từ mùa hè năm 1978, Công An tại nhiều tỉnh miền Nam bắt đầu tổ chức những cuộc vượt biên lớn công khai cho những người Hoa (và những người Việt tự nhận là người Hoa) mở đầu cho một cuộc di dân vĩ đại mà trong hai năm đưa gần một triệu người Việt ra khỏi đất nước.

    Như trong một bi kịch Hy lạp, Việt Nam, Trung Quốc và Campuchia càng ngày càng xích lại gần hơn vào một cuộc chiến mà các bên đều không muốn.

    Điều mỉa mai là bây giờ chính Hoa Kỳ, nước mà trước kia Bắc Kinh và Hà Nội liên minh để tìm cách đẩy ra khỏi Đông Dương nay lại được chính hai nước này mời trở lại.

    Ngày 5 tháng 7 Mỹ và Trung Quốc họp mật tại Bắc Kinh để thảo luận việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

    Ngày 7 tháng 7 Hà Nội xin mở lại thương thuyết với Washington và chính thức bỏ điều kiện đòi Mỹ viện trợ trước khi đi đến bình thường hóa.

    Tháng chín ông Nguyễn Cơ Thạch sang New York và xin gặp Ngoại trưởng Mỹ Richard Holbrooke. Trong cuộc gặp gỡ lần này Thạch không đặt một điều kiện tiên quyết gì mà chỉ xin Mỹ đồng ý ra một tuyên bố chung là sẽ bình thường hóa quan hệ giữa hai bên.

    Tuy nhiên trong cuộc tranh chấp nội bộ giữa phe chủ trương nghiêng về phía Việt Nam, Cyrus Vance và Richard Holbrooke, và phe chủ trương nghiêng về phía Trung Quốc do Brzezinski chủ xướng, tổng thống Jimmy Carter ngả theo Brzezinski và việc bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Hà Nội bị dẹp bỏ.

    Thất bại tại Washington, Hà Nội quyết định đi sát thêm với Moscow.

    Ngày 3 tháng 11 năm 1978 Lê Duẩn ký với Brezhnev một hiệp ước tương trợ kinh tế quân sự 25 năm và gia nhập khối Comecon. Ngày 15 tháng 12, Jimmy Carter tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Và ngày 25 tháng 12 Việt Nam mở cuộc tấn công xâm lược vào Campuchia.

    Trái với những hy vọng của Trung Quốc, lực lượng Khmer Đỏ đã tan rã nhanh chóng trước sự tấn công của Hà Nội.

    Chỉ trong vòng hai tuần, ngày 7 tháng giêng năm 1979, Phnom Penh thất thủ. Trước tình thế đó, ngày 14 tháng giêng, Trung Quốc gởi một phái đoàn sang Thái Lan để họp bàn về việc tổ chức một hệ thống tiếp tế cho Khmer Đỏ tiếp tục chiến tranh du kích chống lại Việt nam tại Campuchia.

    Đồng thời ngày 28 tháng giêng năm 1979 Đặng Tiểu Bình sang Mỹ gặp Jimmy Carter.

    Được sự đồng tình ngầm của Carter, ngày 17 tháng 2 Trung Quốc mở ra cuộc chiến biên giới chống lại Việt Nam mở đầu cho một chu kỳ mới trong quan hệ giữa hai nước Việt Trung...

    ReplyDelete
  14. ho so o dau , doc duoc day

    ReplyDelete
  15. bon tau ma , van chi la tau thui , ko len so
    \

    ReplyDelete
  16. 34 năm và cuộc chiến vẫn bị Đảng Cộng Sản VN che đậy

    ReplyDelete

Post a Comment

FeedBΛCK

!ИstΛgrΛm

nguyenanhduy.com, thằng điên

.........* Giao diện này sử dụng định dạng ảnh webp, hãy dùng trình duyệt phù hợp để có trải nghiệm tốt nhất!