20 quyết định lớn nhất của Ferguson ở M.U

by comments
Photobucket

Trong hơn hai thập niên dẫn dắt "Quỷ đỏ", HLV người Scotland không ít lần bị chỉ trích bởi cách xử lý vấn đề có phần độc đoán. Không phải tất cả đều thành công, nhưng hơn 20 năm qua, Fergie đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng, góp phần giúp MU trở thành một đế chế bóng đá hùng mạnh như hiện nay.

Như HLV 65 tuổi người Scotaland từng nhiều lần thừa nhận, tính quyết đoán và khả năng tự thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh là hai yếu tố quan trọng nhất, là sợi chỉ xuyên suốt sự nghiệp cầm quân của ông. Yếu tố đầu tiên, theo quan điểm của Ferguson, là phẩm chất quan trọng nhất mà bất kỳ HLV bóng đá chuyên nghiệp nào cũng cần phải có. Trong khi đó, yếu tố thứ hai giúp ông và các học trò tự làm mới mình để vượt qua những áp lực khủng khiếp mà thứ bóng đá hiện đại ngày nay mang lại.


Hơn 20 năm làm việc cho MU là hơn 20 năm Fergie phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức, nhưng tất cả những điều đó vẫn không thể ngăn cản ông trở thành nhà cầm quân huyền thoại của MU. Với 18 danh hiệu lớn nhỏ trong 21 năm làm việc ở sân Old Tralford, rõ ràng người đàn ông Scotland có tính khí nóng như lửa này xứng đáng được vinh danh cạnh những bậc tiền bối vĩ đại như Bill Shankly, Bob Paisley, Matt Busby và, tất nhiên, cả Jock Stein.

Dưới đây là 20 quyết định được cho là lớn nhất trong nghiệp cầm quân của Alex Ferguson, kể từ khi ông đến với đội chủ sân Old Tralford ngày 6/11/1986:


1. Chấp nhận làm HLV trưởng M.U


Vào tháng 11/1986, MU chỉ đứng thứ 19 trong 22 đội ở giải hạng nhất Anh (khi đó giải Ngoại hạng còn chưa ra đời) với thành tích 3 thắng, 4 hòa sau 13 trận. Vì thế, đừng nói đến chuyện cạnh tranh chức vô địch với Liverpool, trụ hạng mới là mục tiêu hàng đầu của "Quỷ đỏ". Hơn nữa, do tình hình tài chính khó khăn lúc đó, CLB cũng không có nhiều tiền để mua thêm cầu thủ và trả lương hậu hĩ HLV.
Bất chấp thực trạng không mấy sáng sủa đó, Fergie vẫn chấp nhận ngồi vào chiếc ghế HLV nóng bỏng ở sân Old Tralford mà người tiền nhiệm Ron Atkinson để lại, với mức lương chưa đến 30.000 bảng mỗi năm, chỉ bằng một phần tư so với số tiền mà ông nhận được khi còn dẫn dắt Aberdeen. Chưa hết, khi biết chuyện, vợ con ông phản đối rất kịch liệt, Fergie đáp lại với thái độ cương quyết: "Dẫn dắt MU không chỉ là công việc mà còn là bổn phận và trách nhiệm của tôi".

2. Xóa sạch và làm lại từ đầu


Không như những HLV mới lên chức khác, Ferguson chẳng buồn quan tâm đến nội tình đội bóng trước đó như thế nào. Ông bắt tay vào thực hiện kế hoạch riêng của mình, đầu tiên là chỉ ra "căn bệnh" khiến MU chơi tồi: tật nghiện rượu của các trụ cột như Whiteside, McGrath, Robson... và sự can thiệp quá sâu từ giới truyền thông. "Thuốc chữa liều cao" ngay lập tức được đưa ra khi Fergie cấm tiệt việc tiếp xúc với báo chí và buộc cả đội phải thực hiện "chế độ thiết quân luật" với những quy định cực kỳ nghiêm ngặt về tập luyện, dinh dưỡng, trang phục và giờ giấc. Bên cạnh đó, Fergie cũng cho khởi động hệ thống săn lùng tài năng và thúc giục CLB mở học viện bóng đá dành cho các cầu thủ trẻ.


3. Từ chối mua John Barnes


Mùa hè năm 1987, Ferguson được đồng nghiệp Graham Taylor mách nước mua John Barnes, cầu thủ chạy cánh triển vọng nhất của bóng đá Anh thời bấy giờ, với giá 900.000 bảng từ Watford. Tuy nhiên, HLV của MU đã thẳng thừng từ chối và đặt niềm tin vào Jesper Olsen bằng cách gia hạn hợp đồng với tiền vệ người Đan Mạch này. Tuy nhiên, quyết định này khiến Fergie phải nhận "quả đắng" khi Olsen rớt phong độ thảm hại còn John Barnes lại tỏa sáng rực rỡ ở Liverpool. Về sau, trong cuốn tự truyện của mình, ông thừa nhận: "Là con người, ai cũng có lúc đúng, có lúc sai. Nhưng rõ ràng tôi đã quá chủ quan khi để vuột mất Barnes". Đã sai lầm, nhưng việc "cả gan" từ chối một tài năng lớn như danh thủ người gốc Jamaica này, cũng phản ánh phần nào tính cách mạnh mẽ và độc đoán đến mực cực đoan của Fergie


4. Thanh lọc những trụ cột từ thời Ron Atkinson


Mùa giải thứ hai của Fergie ở sân Old Tralford kết thúc không như mong đợi khi MU rơi xuống vị trí thứ 11 và điều này đã thúc giục ông đi đến quyết định "thay máu" cho đội bóng. Cái tên đầu tiên phải cuốn gói ra đi là Gordon Strachan (3/1989), bất chấp sự phản đối quyết liệt của các CĐV. 4 tháng sau, Fergie lại khiến tất cả phải sửng sốt khi bán luôn Norman Whiteside và Paul McGrath cho Everton và Aston Villa khi cả 2 anh này đang chơi tốt và rất được lòng đồng đội cũng như giới CĐV. Nhưng Fergie có lý do riêng của mình: ông tin rằng tệ uống rượu trong các cầu thủ MU sẽ chấm dứt nếu hai "kẻ đầu têu" bị tống cổ ra khỏi tập thể. Và để thay thế bộ đôi nghiện ngập kể trên, ông mang về sân Old Tralford hai tài năng trẻ Paul Ince (từ West Ham) và Gary Pallister (từ Middlesbrough).

5. "Câu" Cantona từ Leeds Utd

Có thể nói không ngoa rằng tiền đạo giàu cá tính người Pháp chính là bản hợp đồng thành công nhất mà Fergie mang về cho "Quỷ đỏ". Nhưng ít ai biết rằng, ông thực hiện thương vụ này trót lọt một cách hoàn toàn tình cờ. Kết thúc mùa giải 1991-1992, MU cán đích ở vị trí á quân và Fergie tin chắc rằng hàng công yếu kém là nguyên nhân khiến "Quỷ đỏ" để mất Cup vô địch vào tay Leeds Utd.
Vì vậy, trong mùa hè năm 1992, ông ký hợp đồng với Dion Dublin, nhưng anh này chỉ đá được vài vòng rồi bị gãy chân. Và khi Fergie đang sốt vó tìm người thay thế thì ông nhận được lời đề nghị mua Dennis Irwin từ Leeds Utd. Chẳng những không chấp thuận để hậu vệ người Ireland ra đi, mà Fergie còn "câu" luôn của đối phương Eric Cantona, chân sút đang bất đồng sâu sắc với BLĐ và các CĐV Leeds, với mức giá bèo 1,2 triệu bảng. Và sau đó thì như chúng ta đã biết, Cantona trở thành một biểu tượng của MU xuyên suốt những năm 1990 và được các CĐV đặt cho biệt danh "King Eric".

6. Kiên nhẫn với Cantona


"Sa thải" là ý nghĩ đầu tiên của Fergie sau sự kiện Cantona tung cú "kungfu" đầy tai tiếng nhằm vào một CĐV trên sân Selhurst Park tháng 1/1995. Nhưng khi bình tâm lại, ông quyết định sẽ cho cầu thủ ngổ ngáo người Pháp thêm một cơ hội để làm lại. Fergie cũng đứng ra dùng chính uy tín cá nhân của mình để bảo vệ "King Eric" trước sự chất vấn của ban lãnh đạo MU và giới truyền thông.
Tuy nhiên, do không chịu được sức ép khủng khiếp từ giới dư luận và án phạt cấm thi đấu 8 tháng của FA, tiền đạo này đã bỏ về Pháp trong nỗi thất vọng cùng cực. Và khi Cantona đã tính đến chuyện chia tay sân cỏ thì Fergie đích thân sang Pháp để thuyết phục anh trở lại. Và "King Eric" đã không phụ lòng ông thày bằng màn trình diễn tuyệt vời cùng một lô bàn thắng giúp MU đoạt cú đúp vô địch giải Ngoại hạng và Cup FA ở mùa giải 1995-1996.

7. Đặt niềm tin vào thế hệ Beckham

6 năm sau đợt thanh lọc lực lượng lần thứ nhất, Fergie lại gây náo động thành Manchester và hàng triệu CĐV MU trên toàn cầu với quyết định bán một lúc 3 trụ cột Paul Ince (cho Inter), Andrei Kanchelskis (Everton) và Mark Hughes (Chelsea). Nhưng khác với lần trước, ông không mua về bất cứ tên tuổi nào để thay thế mà đôn một loạt cầu thủ trẻ như anh em nhà Neville, David Beckham, Paul Scholes và Nicky Butt lên đội A. Dưới sự dìu dắt của Fergie, thế hệ những Beckham, Scholes và anh em nhà Neville đã nhanh chóng trở thành những tên tuổi lớn trong làng túc cầu thế giới.

8. "Khích tướng" Kevin Keegan


Mùa giải 1995-1996, Newcastle chơi ấn tượng với thành tích toàn thắng 13 trận trên sân nhà và có lúc bỏ xa MU tới 12 điểm khi bước vào năm mới 1996. Tuy nhiên, cục diện cuộc đua đã thay đổi theo hướng ngược lại sau khi thày trò Ferige hạ Newcastle 1-0 (Cantona ghi bàn) ngay tại St. James Park ngày 4/3/1996. Và HLV người Scotland nảy ra ý định phải làm điều gì đó để đối thủ mất tập trung.
Cơ hội đã đến khi MU hạ Leeds 1-0 (Roy Keane ghi bàn) ngày 17/4/1996, Fergie lên truyền hình nói rằng rằng ông tin chắc Leeds sẽ đánh bại Newcaslte sau đó 12 ngày. Lời khích tướng này khiến HLV Kevin Keagan của đối phương sôi lên sùng sục và lên tiếng trả đũa sau khi "những chú chích chòe" thắng Leeds Utd 1-0 (Gillespie): "Tiên đoán của Fergie sai bét, chúng tôi vẫn chiến thắng và tôi lấy làm hạnh phúc vì điều đó". Tuy nhiên, có lẽ do hưng phấn quá mức với chiến thắng này, Newcastle liên tiếp mất điểm ở 2 vòng đấu cuối cùng và ngậm ngùi nhìn MU vượt lên, ẵm Cup vô địch.

9. Gia cố đội hình trong mùa hè năm 1998


Rất nhiều đối thủ đã cười thầm khi thấy Fergie bỏ ra 16,7 triệu bảng, kỷ lục chuyển nhượng đối với một hậu vệ thời bấy giờ, để tậu Jaap Stam từ PSV, dù anh này chẳng để lại ấn tượng gì đặc biệt ở World Cup 1998. Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục khiến dư luận và giới chuyên môn phải sửng sốt khi hoàn thiện đội hình bằng thương vụ mua Dwight Yorke với giá 12,6 triệu bảng. Dù chơi rất cừ ở Aston Villa, ít người tin rằng trung phong người Trinidad&Tobago đủ đẳng cấp để giúp MU giành lại vương miện giải Ngoại hạng từ Arsenal. Bất chấp lời dị nghị của thiên hạ, Stam, Yorke dần khẳng định vị trí và trở thành hai trong số ít trung vệ và tiền đạo hay nhất châu Âu, góp phần quan trọng giúp MU đoạt "Cú ăn ba" nổi tiếng ở mùa giải 1998-1999.


10. Chơi ván bạc liều lĩnh ở Barcelona


MU không thể thắng Bayern nếu Fergie không mạo hiểm dùng Solskjaer và Sheringham (giữa).
MU không thể thắng Bayern nếu Fergie không mạo hiểm tung Solskjaer và Sheringham (giữa) vào sân ở cuối hiệp hai. Phút 66 trận chung kết Champions League mùa giải 1998-1999, MU đang bị Bayern dẫn 1-0 (Mario Basler) nhưng lại chơi cực kỳ bế tắc trước hàng thủ được tổ chức chặt chẽ của đội bóng Đức. Và Fergie đã có một quyết định, dù cực kỳ mạo hiểm, được cho là sáng suốt nhất trong sự nghiệp cầm quân của ông ở MU khi lần lượt tung Sheringham (thay Jesper Blomqvist) rồi Solskjaer (thay Andy Cole) vào sân để chơi với 3 tiền đạo trong nửa cuối hiệp hai. Kết quả thật mỹ mãn khi 2 tiền đạo dự bị này liên tiếp lập công trong 2 phút cuối cùng, hoàn tất cú ngược dòng kinh điển, mang về cho "Quỷ đỏ" chức vô địch châu Âu thứ hai trong lịch sử.

Việc thanh lọc lực lượng, nuôi dưỡng thế hệ Beckham... là những bước đi đầu tiên giúp Fergie ổn định đội ngũ, đưa "Quỷ đỏ" trở lại ngôi vương trong 13 năm đầu làm việc ở sân Old Tralford. Từ đó đến nay, ông còn đưa ra nhiều quyết định quan trọng nữa, giúp MU duy trì vị thế một đại gia ở Anh và châu Âu...


11. Không tham gia FA Cup mùa 1999-2000


Trong nỗ lực chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2006, Chính phủ và Liên đoàn bóng đá Anh (FA) gây sức ép buộc MU, khi đó là ĐKVĐ châu Âu, phải tham gia giải Vô địch Thế giới cấp CLB, do FIFA khởi xướng lần đầu tiên ở Rio de Janeiro. Nhưng vào thời điểm đó, giải Ngoại hạng Anh chỉ còn 2 tuần nữa là khai mạc. Lo ngại các học trò sẽ kiệt sức vì phải thi đấu và di chuyển quá nhiều trong thời tiết nhiệt đới ở Brazil, Fergie quyết định đội của ông sẽ không tham gia Cup FA, dù khi đó MU là CLB đang giữ Cup, bất chấp sự phản đối kịch liệt của dư luận Anh.


12. Kiên nhẫn chờ Van Nistelrooy bình phục chấn thương


Ngày 25/4/2000, MU đã đạt được thỏa thuận mua chân sút người Hà Lan từ PSV. Tuy nhiên, mọi toan tính chuẩn bị cho mùa bóng 2001-2002 của Fergie đã bị xáo trộn nghiêm trọng khi Nistelrooy bất ngờ gặp một chấn thương đầu gối ít ngày trước khi lên đường sang Anh ký hợp đồng. Trong trường hợp này, hầu hết các HLV sẽ lựa chọn giải pháp an toàn là từ bỏ mục tiêu và chuyển hướng sang một chân sút khác, nhưng Fergie thì không.
Nhà cầm quân của "Quỷ đỏ" vẫn kiên nhẫn chờ đợi và tin tưởng Nistelrooy sẽ bình phục và lấy lại phong độ. Kết quả thì ai cũng biết, cựu tiền đạo PSV đến MU sau đó một năm và đền đáp lại lòng tin của ông thày bằng 150 bàn thắng trong 219 lần ra sân, và trở thành một trong những chân sút hiệu quả nhất trong lịch sử đội chủ sân Old Tralford.

13. "Tống khứ" Jap Stam và tìm đến Laurent Blanc


Đến tận bây giờ vẫn rất nhiều người cho rằng Fergie đẩy trung vệ thép người Hà Lan sang Lazio một cách không thương tiếc là vì Stam ra cuốn tự truyện, tiết lộ tất cả những chuyện "thâm cung bí sử" của MU, trong đó có rất nhiều tình tiết liên quan đến ông thày hà khắc cùng các đồng đội. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, Fergie đã lên kế hoạch cải tổ hàng thủ và dự trù sẽ đổi Stam lấy Lilian Thuram của Juventus. Tuy nhiên, Lazio đã vào cuộc với lời đề nghị quá hấp dẫn - 16,5 triệu bảng cho trung vệ người Hà Lan, và Fergie không do dự đồng ý và đưa Laurent Blanc, nhà vô địch thế giới người Pháp đang khoác áo Inter, về thay thế.


14. Tuyên bố sẽ về hưu


"Ngay sau khi đưa ra quyết định về hưu, tôi biết rằng mình sẽ hối tiếc", Fergie nói về sự kiện ông thông báo sẽ rút lui khỏi cương vị HLV trưởng "Quỷ đỏ" sau mùa giải 2001-2002, thời điểm ông bước sang tuổi 60. Tháng 5/2001, Fergie thậm chí còn tuyên bố không chỉ thôi làm HLV trưởng mà sẽ cắt đứt mọi mối liên hệ với MU vì Ban giám đốc CLB đánh giá quá thấp những đóng góp của mình cho CLB và không tìm được một vị trí hợp lý cho ông sau khi từ giã nghiệp HLV.


15. Rút lại quyết định về hưu


Khi mà ai cũng tin rằng lịch sử MU sẽ sang trang sau khi Fergie ra đi thì ông lại khiến tất cả phải sốc khi "chối bay chối biến" những gì đã tuyên bố. Lễ Giáng sinh năm 2001, "Ngài Alex" phủ nhận hoàn toàn những tin tức nói về việc mình sẽ chia tay MU và cho rằng báo chí đã làm to chuyện những phát biểu của ông trong lúc không hài lòng với cách ứng xử của Ban lãnh đạo. Tuy nhiên, sau đó ít tuần Fergie lại "tự thú" rằng chính sự hậu thuẫn mạnh mẽ của gia đình đã khiến ông quyết định ở lại và tiếp tục cống hiến cho "Quỷ đỏ".
Không ít người đã cho rằng sự can thiệp kịp thời từ gia đình Fergie là điều may mắn cho MU, nhưng lại là điềm gở cho LĐBĐ Anh (FA). Vì sao ư? Peter Kenyon, Giám đốc điều hành của MU khi đó, đã tính đến khả năng mời Sven Eriksson về thế chỗ Fergie. Do nhà cầm quân người Scotland đồng ý ở lại, FA mới có cơ hội tiếp cận và thuê HLV người Thụy Điển về làm HLV trưởng ĐTQG, để rồi ông này chẳng làm nên trò trống gì suốt thời gian tại vị trước khi cuốn gói ra đi trong mùa hè vừa qua. Còn MU thì đoạt thêm 3 danh hiệu (Ngoại hạng Anh, FA Cup và Cup Liên đoàn) trong 5 năm qua.

16. "Chịu lún" trong vụ tranh chấp ngựa đua "The Rock"


Trong suốt sự nghiệp, Fergie hiếm khi thất bại trong các cuộc tranh chấp cả trong và ngoài sân cỏ. Tuy nhiên, ông đã phải xuống nước trước John Magnier, nhà tài phiệt người Ireland,chủ sở hữu tập đoàn Coolmore Stud và là một cổ đông lớn của MU trước đây, trong vụ tranh chấp quyền sở hữu chú ngựa đua có tên là "The Rock of Gibrantar". Fergie cho rằng với 50% quyền sở hữu The Rock, ông đương nhiên được hưởng 50% khoản tiền thu được từ việc nhân giống chú ngựa này (gần 100 triệu bảng) và đã lôi vụ việc này ra tòa.
Biết tin, John Magnier đùng đùng nỗi giận, lôi thêm đồng minh JP McManus vào cuộc và mua lại 28,9% cổ phần của MU để trở thành cổ đông lớn nhất của CLB nhằm gây sức ép với Fergie. Kết quả là "ông già nóng tính người Scotland" phải chấp nhận lùi bước và chấp nhận khoản tiền bồi hoàn 2,5 triệu bảng từ đối phương. Vụ này cũng khiến số phận MU mất an toàn trước các tay đầu tư "cáo già" ngoại quốc, điển hình là Malcolm Glazer - người sau này đã mua lại toàn bộ cổ phần và rút CLB khỏi thị trường chứng khoán để độc chiếm.

17. Bán Beckham cho Real Madrid


Cũng như Ban lãnh đạo MU, bản thân Fergie từng nhiều lần thề sống thề chết rằng sẽ không để tiền vệ cánh phải điển trai mà ông "coi như con trai" ra đi. Nhưng rút cuộc, nhà cầm quân này và CLB vẫn làm điều ngược lại. Sau một loạt xích mích giữa "cha" và "con" mà đỉnh điểm là vụ Fergie đá tung chiếc giày vào mặt Beckham cuối mùa giải 2002-2003, MU đã bán tuyển thủ Anh này cho Real Madrid với giá 25 triệu bảng.
Sau sự kiện này, nhiều nhà chuyên môn cho rằng Fergie đã phạm phải sai lầm lớn nhất và lo ngại rằng sự ra đi của Beckham sẽ làm doanh thu của MU từ các hợp đồng thương mại quảng cáo liên quan đến tiền vệ mang áo số 7 này sẽ sút giảm. Nhưng Fergie, lúc đó đang hưng phấn với chức vô địch giải Ngoại hạng, tỏ ra bất cần. Để thay thế Beckham, ông mua tài năng 17 tuổi người Bồ Đào Nha, Cristiano Ronaldo từ Sporting Lisbon.

18. Mua Wayne Rooney


Roonye chơi rất hay trong hai mùa giải 2002-2003 và 2003-2004, nhiều người vẫn ngạc nhiên khi biết tin Fergie và MU chấp nhận bỏ ra 27 triệu bảng để có được chân sút trẻ của Everton. Chiến lược gia người Scotland cũng biết rằng số tiền dùng cho thương vụ này sẽ ngốn hết ngân sách chuyển nhượng của CLB ở 2 mùa giải sau. Ông linh cảm tài năng này sẽ là tương lai của bóng đá Anh và đã làm tất cả để thuyết phục BLĐ xúc tiến vụ chuyển nhượng này. Và giờ đây, Fergie có thể xoa tay khoái trá khi chứng kiến những màn trình diễn tuyệt vời của Rooney. Năm nay mới 22 tuổi, cựu tiền đạo Everton còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Chắc chắn, anh là tài sản lớn nhất mà Fergie để lại cho MU nếu ông quyết định nghỉ hưu một ngày gần đây.


19. Sa thải Roy Keane


Tương tự vụ đẩy Beckham sang Real. Fergie từng nói rằng Roy Keane là cầu thủ lớn nhất mà ông từng có dịp làm việc và đảm bảo rằng tiền vệ người Ireland ở lại với MU đến cuối sự nghiệp. Nói là vậy, nhưng mối quan hệ nào, dù có tốt đẹp đến mấy, vẫn không tránh khỏi những lúc sóng gió. Fergie đã nổi trận lôi đình khi biết Keane mạt sát các đồng đội trên kênh truyền hình MUTV sau thất bại 1-4 trên sân Middlesbrough và lớn tiếng "cãi láo" trợ lý HLV Carlos Quieroz. Hậu quả là anh phải cuốn gói ra đi chỉ sau đó 17 ngày, kết thúc 12 năm đầy ắp chiến công và những kỷ niệm đẹp đẽ về tình thày trò với "Ngài Alex".


20. Đẩy Van Nistelrooy sang Real Madrid


Sau tiền vệ người Ireland, tới lượt Van Nistelrooy phải chia tay MU vì dám bất tuân lệnh "Ngài Alex". Và cũng như những tiền bối từ Bryan Robson qua Stam, Beckham đến Roy Keane, sự ra đi của tiền đạo người Hà Lan để lại rất nhiều tiếc nuối trong lòng các CĐV "Quỷ đỏ".
Còn với Fergie, ông tiếp tục chính sách "ngồi xổm trên dư luận" và cũng chẳng thèm tìm người thay thế vị trí của Van Nistelrooy. Thay vào đó, ông đặt niềm tin vào chân sút dự bị Louis Saha và tìm kiếm giải pháp ghi bàn từ những tiền vệ như Ronaldo, Paul Scholes, Giggs. Và một lần nữa, Fergie đã chứng tỏ mình đúng.

VnExpress

Manchester United
NAD
07/01/2008
2

Comments

Post a Comment

FeedBΛCK

!ИstΛgrΛm

nguyenanhduy.com, thằng điên

.........* Giao diện này sử dụng định dạng ảnh webp, hãy dùng trình duyệt phù hợp để có trải nghiệm tốt nhất!